Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
SỰ THẬT MẤT LÒNG Sudieptutroi

 

 SỰ THẬT MẤT LÒNG

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Paul
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN
Paul

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 320
Điểm NHIỆT TÌNH : 491
Ngày tham gia : 15/01/2010
Đến từ : HCMC
Job/hobbies : IT
Tâm trang : Fun

SỰ THẬT MẤT LÒNG Vide
Bài gửiTiêu đề: SỰ THẬT MẤT LÒNG   SỰ THẬT MẤT LÒNG EmptySat Jan 30, 2010 5:21 pm




    SỰ THẬT MẤT LÒNG

    (CHÚA NHẬT IV, THƯỜNG NIÊN, NĂM C)

    (Bài Đọc I: Giêrêmia 1: 4-5, 17-19; Bài Đọc II: Corintô 12: 31 – 13: 13; Bài Phúc Âm: Luca 4:21-30)


    (Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

    SỰ THẬT MẤT LÒNG File?id=dcfnbjw4_243d6wm9kg5_b

    Trong tiếng Việt Nam có câu nói “Sự Thật mất lòng!” và Chúa Giêsu nói “Sự Thật giải thoát anh em!” (Gioan 8: 32). Chúng ta thường không thích nghe những lời “nói thẳng và nói thật” vì va chạm tự ái của chúng ta; nhưng nếu biết khiêm tốn lắng nghe và sửa đổi, thì “Sự Thật lại giải thoát chúng ta” khỏi những khuyết điểm mà mình không nhìn ra, và như thế “Sự Thật” xây dựng chúng ta. Trái lại, những lời nịnh bợ tâng bốc thường làm chúng ta ra mù quáng và không nhìn được rõ những khuyết điểm để sửa đổi.



    Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy nhân dịp về thăm quê hương Nagiaret, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu cũng vào sinh hoạt tại Hội Đường và nhân dịp được mời đọc Sách Thánh, Chúa Giêsu đã chia sẻ với cộng đoàn về lời trong Thánh Kinh: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…” Thánh Luca ghi lại: “mọi người đều thán phục những lời Ngài nói…” Nhưng vẫn có những người đặt vấn đề “Ông này không phải là con bác thợ mộc đó sao?” Biết phản ứng của họ như vậy, Chúa Giêsu đã nói rõ sự thực về tâm tính ngang bướng của họ và của cha ông họ thời xưa, và đưa ra những bằng chứng rất rõ ràng. Thế là “mọi người trong hội đường (bị chạm tự ái) đã nổi giận, lôi Chúa Giêsu lên đỉnh đồi và định xô Ngài xuống vực thẳm.”



    Đúng là sự thật mất lòng và đưa đến thù hận. Nhưng trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã không sợ nói sự thật và thường được dân chúng hân hoan đón nhận. Tuy nhiên, vẫn có những người đầy tự ái, như các kinh sư, biệt phái, họ không muốn nghe sự thật; họ căm phẫn, và nhiều lần họ đã âm mưu giết Chúa. Cuối cùng họ đã lên án và giết Người trên Thánh Giá. Nhưng đó lại là chương trình cứu độ của Thiên Chúa.



    Thực ra, Chúa Giêsu không phải vì ghét họ mà nói sự thật. Nhưng Ngài muốn “nói thẳng, nói thật” để cảnh tỉnh họ và giúp họ sửa đổi, và có thể nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Bằng chứng là trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã đến với người bệnh hoạn, nghèo khó, bị bỏ rơi để giúp đỡ và rao giảng cho họ và khi có dịp, Chúa Giêsu cũng vẫn đến thăm nhà và dùng bữa với những người biệt phái, những kinh sư, đến với những người tội lỗi, những người thu thuế (Matthêu 9: 10-13). Tất cả là vì tình thương của Chúa đối với mọi người, và mong muốn mọi người sửa đổi cuộc sống để được hưởng ơn cứu độ.



    Nhìn vào đời sống của các Tiên Tri thời Cựu Ước, chúng ta thấy các tiên tri được Chúa sai đến để nói sự thật với Dân Chúa cũng chỉ với mục đích kêu gọi họ bỏ cuộc sống tội lỗi, vô luân để sống theo lề luật Chúa, sống xứng đáng con cái Chúa. Dân chúng thường đón nhận lời các tiên tri; nhưng cũng vẫn có những kẻ chống đối, và có những tiên tri bị bách hại, bị xua đuổi và có khi bị giết chết nữa (Matthêu 23: 34-36). Vị tiên tri cuối cùng là Thánh Gioan Baotixita cũng bị tù đày và giết hại.



    Hôm nay, trong bài Đọc I, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn Giêrêmia (sinh khoảng 650 trước Chúa Giáng Sinh) làm Tiên Tri cho Chúa. Chúa bảo ông: “Hãy nói cho dân chúng những điều Ta truyền ngươi nói với họ. Đừng run sợ trước mặt họ!... Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ sẽ không thắng được ngươi, vì ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Đúng như lời Chúa nói, trong cuộc đời rao giảng những mệnh lệnh của Chúa, tiên tri Giêrêmia đã phải nói những sự thật để giúp họ sửa đổi ‘lòng chai đá của họ’, vì thế mà tiên tri đã gặp rất nhiều chống đối, thù ghét. Sau cùng tiên tri bị giết chết (vào khoảng 580 trước Chúa Giáng Sinh) trong thời bị lưu đày ở Ai-Cập. Chính sau cái chết thảm khốc của ông mà dân chúng càng hiểu ông hơn và đem lòng sùng mộ, và nhận ra những điều chân thật tiên tri đã giảng dạy ho.



    Mỗi tín hữu chúng ta, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta cũng đều có bổn phận phải làm “tiên tri”, làm “chứng nhân” cho Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Trong khi loan truyền Lời Chúa, thường khi chúng ta cũng gặp được những con người vui vẻ đón nhận, nhưng cũng có những trường hợp bị phản ứng bất lợi. Chúng ta luôn phải kiên nhẫn chịu đựng, và cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa chính chúng ta, và thánh hóa những người chúng ta rao giảng; cầu nguyện đặc biệt cho những người chống đối chúng ta (Matthêu 5: 43-48). Tất cả chỉ vì lòng “mến Chúa và yêu người” mà chúng ta làm nhiệm vụ “tiên tri” và chứng nhân cho Chúa.. “Lòng mến Chúa yêu người” tức là đức Bác Ái, như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài Đọc II hôm nay: “Đức Bác Ái thì nhẫn nhục… tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả…”



    Mong rằng từ nay chúng ta biết ý thức hơn về bổn phận rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Chúa (nhất là bằng chính đời sống gương mẫu của chúng ta) trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, sở làm, trường học, với mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc. Trong cuộc hành trình Đức Tin, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với anh chị em chúng ta, chúng ta cần nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, luôn giữ vững Đức Tin, duy trì Đức Bác Ái, và cùng nhau giúp đỡ những người chưa nhận biết Chúa được nhận ra Chúa là Cha, và Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người rao giảng Tin Mừng cứu độ, đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc chúng ta; Người đã sống lại và về trời để mở đường cứu rỗi chúng ta. Ai tin và sống theo giới răn của Người, thì được ơn cứu chuộc.



    Cuộc sống mỗi người ở trần gian này rồi sẽ qua đi, chúng ta hãy biết dùng mọi thời gian còn lại, mọi phương thế có thể được để giúp đỡ mọi người, không phải chỉ bằng vật chất, nhưng cả về đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng, để mọi người có thể hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa.



    “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng.

    Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi, Ngài sai tôi đi,

    Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù,

    Mang Tin Mừng giải thóat, Thiên Chúa đã cứu tôi…”



    (Thiên Lan: Thánh Ca: “Thần Khí Chúa”)
    ______________________

    VINH QUY BÁI TỔ



    (CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN, NĂM C)

    (Bài Đọc I: Nehemia 8: 2-4, 5-6, 8-10; Bài Đọc II: 1Corintô 12: 12-30);

    Bài Phúc Âm: Luca 1: 1-4, 4: 14-21)




    (Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)



    SỰ THẬT MẤT LÒNG File?id=dcfnbjw4_241fbstrkct_b





    Tại Việt Nam chúng ta thời xưa, các vị đã học hành đỗ đạt và thành danh, thường trở về quê hương để thăm viếng gia đình và kính bái tổ tiên; đó cũng là dịp khao vọng cho dân làng được hãnh diện. Tại Hoa Kỳ cũng có tục lệ trở về quê hương, trở về trường cũ (Home Coming).



    Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiaret nơi Ngài đã lớn lên trong gia đình cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria suốt 30 năm. Trong thời gian này, Chúa Giêsu cũng làm nghề thợ mộc như Thánh Giuse để sinh sống, và cũng chia sẻ cuộc sống với dân làng như một người bình thường.



    Theo tường thuật của Thánh Luca, thì Chúa Giêsu đã mở đầu cuộc sống Công Khai ra đi rao giảng bằng việc đến chịu phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả tại sông Giordan. Rồi, Ngài vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện và bị ma qủy cám dỗ. Sau đó, Ngài đã “được đầy ơn Chúa Thánh Thần” và bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng từ vùng Galilêa (phía Bắc nước Do Thái, nơi có làng Nagiaret là quê hương của Chúa), và tiện dịp, Ngài đã ghé qua thăm Nagiaret. Nhưng Ngài không về quê hương để khao vọng để được vinh danh; nhưng là để rao giảng cho chính bà con quê quán của mình.



    Theo lề luật, vào ngày Sa-bat, người Do Thái thường đến các Hội Đường để thờ phượng, tôn vinh Chúa, nghe đọc Sách Luật, và học hỏi Lời Chúa (xin xem Bài Đọc I). Vì thế, nhân ngày Sa-bat, Chúa Giêsu cũng vào sinh hoạt trong Hội Đường, và nhân đó rao giảng và tỏ cho dân làng biết: “Chính hôm nay ứng nghiệm lời Thánh Kinh anh em vừa nghe” để nói cho họ biết chính Ngài là Đấng đã được các ngôn sứ loan báo trước: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo tự do cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, người bị áp bức được giải thoát, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa!”



    Trong Bài Đọc II hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về vai trò và sứ mệnh của mỗi tín hữu chúng ta; sau khi chúng ta đã được “thanh tẩy qua Bí tích Rửa Tội, và Bí Tích Thêm Sức, chúng ta được Chúa Thánh Thần thánh hiến, và chúng ta “cũng được sai đi” để loan truyền Lời Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày, “nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức, bị bỏ rơi…” để cùng nhau xây dựng “Nhiệm Thể Chúa Kitô là chính Giáo Hội Chúa.” Mỗi người có nhiệm vụ riêng của mình, tùy theo vai trò và địa vị là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Nhưng để loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng có bổn phận học hỏi để thông hiểu Lời Chúa trong Thánh Kinh qua những giờ Thánh Lễ cuối tuần, qua các buổi tĩnh tâm, các lớp học về Thánh Kinh v.v…



    Theo Bài Đọc I thì “Ngày Sa-bat (ngày Thứ Bảy trong tuần) là ngày thánh dâng cho Chúa, mọi người phải nghỉ ngơi việc xác để họp mặt thờ phượng Chúa, chúc tụng Chúa và học hỏi Lề Luật của Chúa. Trong ngày của Chúa, mỗi người hãy quên đi nỗi ưu phiền để vui lên trong niềm vui của Chúa là Đấng nâng đỡ mọi người”. Đó là theo luật Cựu Ước căn cứ vào lời Chúa trong sách Khởi Nguyên (2: 1-3): “Ngày thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Ngài làm. Ngày Thứ Bảy, Ngài nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã chúc phúc cho ngày Thứ Bảy…”



    Thực ra, công việc hình thành vũ trụ và thế giới, cũng như muôn loài, muôn vật và loài người là công cuộc phải trải qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, ông Moisê đã kể câu chuyện “Chúa tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong sáu ngày, và nghỉ ngơi vào ngày Thứ Bảy” để dạy dân chúng hãy làm việc sáu ngày, còn ngày Thứ Bảy phải giữ lề luật ngày Sa-bat để nghỉ ngơi công việc thể xác và chuyên lo việc thờ phượng Chúa, học hỏi Lề Luật Chúa; đó là thánh hiến ngày Thứ Bảy, dâng trọn ngày Thứ Bảy cho Chúa.



    Thời Cựu Ước đã chấm dứt, luật giữ ngày Sa-bat cũng chấm dứt. Chúa Giêsu là Đấng Kitô các tiên tri đã loan báo trước. Ngài đã đến để mở đầu thời đại Tân Ứớc. Ngài đã chịu nạn, chịu chết, nhưng đã sống lại ngày Thứ Nhất trong tuần (Ngày Chúa Nhật), vì thế, ngày nay chúng ta “giữ ngày Chúa Nhật” để kính nhớ cuộc sống lại của Chúa để mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Từ đó, ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần lễ là Ngày Thánh, chúng ta phải nghỉ ngơi, cùng nhau đến các Thánh Đường để thờ phượng Chúa và gặp gỡ nhau, chia sẻ tình thương của con cái Chúa, và học tập Lời Chúa, Lề Luật Chúa, tĩnh dưỡng đời sống tâm linh.



    Mong rằng từ nay chúng ta biết ý thức hơn về bổn phận rao giảng Lời Chúa, và bổn phận thờ phượng Chúa bằng cả đời sống chúng ta. Đặc biệt vào ngày Chúa Nhật, chúng ta hãy cùng với gia đình, cùng với giáo xứ để cùng thờ phượng Chúa, chung vui ngày thánh của Chúa để nuôi dưỡng lòng đạo đức của chính chúng ta, gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta. Cuộc hành trình Đức Tin đầy gian khổ, nhưng chúng ta không phải đi một mình, mà chúng ta đồng hành với mọi anh chị em chúng ta trong gia đình Giáo Hội, cụ thể nơi mỗi giáo xứ chúng ta cư ngụ.



    “Đi về Nhà Chúa, tim con reo hoan lạc Chúa ơi!

    “Đi về Nhà Chúa, ôi bao nhiêu mến thương ngập trời…”

    (Lan Thanh: Thánh Ca “Đi Về Nhà Chúa” )
    ______________________


    ĐI ĂN CƯỚI

    (CHÚA NHẬT II, THƯỜNG NIÊN, NĂM C)



    (Bài Đọc I: Isaia 62: 1-5, Bài Đọc II: 1Côrintô 12: 4-11, Bài Phúc Âm: Gioan 2:1- 11)





    Linh Mục Anphong Trần Đức Phương



    SỰ THẬT MẤT LÒNG File?id=dcfnbjw4_238fs85tfgr_b




    Cuối tuần, vào ngày Thứ Bảy, nhất là trong Mùa Hè, các linh mục thường được mời đi “ăn cưới”. Có khi phải đi dự cả hai hay ba tiệc cưới. Đến chỗ này một lúc, chỗ kia một lúc để cho công bằng, khỏi bị phân bì. Có đám cưới còn xin các cha đến sớm để làm phép bữa tiệc, làm bằng tiếng Việt, rồi làm tiếng Anh (trường hợp cô dâu chú rể thuộc hai chủng tộc khác nhau).

    Có người nói là “nhà tu” mà cũng đi dự tiệc cưới, vừa mất giờ, vừa không thích đáng; nhưng Bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 2: 1-11) cho chúng ta thấy “Chúa Giêsu và các môn đệ cũng đến dự tiệc cưới” ở Cana, xứ Galilêa, và có cả sự hiện diện của Mẹ Maria. Lại chính nhờ lời yêu cầu của Mẹ Maria mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu để cứu vãn danh dự cho đám cưới này.

    Hôm nay, chúng ta lại có dịp cùng nhau bàn về giá trị và hạnh phúc gia đình, nhất là trong xã hội chúng ta đang sống hôm nay, gia đình đang gặp nhiều thử thách, khó khăn vì những phong trào luyến ái tự do, ly dị bừa bãi, nam cưới nam, nữ cưới nữ vẫn thành vợ chồng, mà nhiều nơi được chính quyền và cả một số giáo phái công nhận và thực hành!

    Hạnh phúc của mỗi người tùy thuộc rất nhiều vào hạnh phúc gia đình: “Người chồng vui mừng vì người vợ…” (Bài Đọc I). Con cái vui mừng vì thấy cha mẹ hòa thuận, thương yêu nhau. Gia đình là “Tổ Ấm”. Mọi người đều cảm thấy mong muốn trở về với “Mái Ấm Gia Đình” (Home sweet home!) Hạnh phúc gia đình trần gian dọn đường đưa đến hạnh phúc gia đình Nước Trời.

    Gia đình là nơi huấn luyện tuổi trẻ, là học đường đầu tiên mà chính cha mẹ là “Thầy, Cô” tuyệt diệu, là nhà giáo dục hiểu biết rõ nhất học trò của mình (vì là chính con của mình). Mọi người đều đau đớn khi gia đình tan vỡ; vợ chồng đau đớn; con cái đau đớn, ông bà cha mẹ cũng ngậm ngùi khổ đau, các vị Chủ Chăn trong giáo xứ cũng buồn lòng. Giáo Hội Công Giáo cũng rất quan tâm về thảm trạng này, nên đã tổ chức những Hội nghị về Gia đình, để tìm những phương cách cứu vãn. Giáo Hội cũng đòi buộc các vị Chủ Chăn phải chuẩn bị kỹ càng cho các đôi hôn phối trước khi cho kết hôn theo lễ nghi Công Giáo; đặc biệt phải dự đủ các lớp “Dự Bị Hôn Nhân”. Giáo Hội cũng kêu gọi các bạn trẻ hãy cầu nguyện và suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định kết hôn thành vợ chồng và cùng nhau xây đựng một gia đình mới. Ngoài ra, các bạn trẻ nên tham khảo và lắng nghe ý kiến các bậc cha mẹ trước khi kết hôn; không nên “yêu cuồng sống vội!”

    Có thể chịu Bí Tích Hôn Phối ngoài Thánh Lễ, nhưng hầu hết các gia đình muốn con cái được kết hôn trong Thánh Lễ. Đó là điều rất tốt lành! Nhưng quan trọng là cần dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để chịu ơn thánh và chuẩn bị cho một giai đoạn mới rất quan trọng của cuộc đời. Có nhiều bạn trẻ đã nhận thức được điều đó, nên đã ghi danh đi tĩnh tâm một cuối tuần để cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và chuẩn bị cho ngày rất trọng đại được Chúa chúc lành và kết hiệp nên Một, thành vợ chồng và bắt đầu một cuộc đời mới. Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ quá lo tổ chức ‘đám cưới linh đình bề ngoài mà coi nhẹ phần tinh thần, đạo đức, đưa nhau đến nhà thờ chỉ để lấy lệ cho qua. Đó là điều đáng tiếc, và ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống chung trong tương lai.

    Sau Khi đã kết hôn, các bạn trẻ nên nhớ câu: “Mình với ta tuy hai mà Một. Ta với mình tuy một mà Hai!” Vợ chồng đã được Chúa kết hiệp nên một và sống chung suốt đời trong một gia đình (Mình với ta tuy hai mà một!); nhưng cần thông cảm các khác biệt nam nữ của nhau để bổ túc nhau cho có sự hải hòa (Ta với mình tuy một mà hai!). Hơn nữa, cần thông cảm những khuyết điểm của nhau, vì tất cả chúng ta đều chỉ là nhựng con người bất toàn. Hiểu như thế để dễ dàng tha thứ cho nhau “nếu người này có điều gì làm mất lòng người kia” (Colose 3: 13), dù phải tha thứ “bảy mươi bảy lần bảy…” Việc cầu nguyện chung trong gia đình cũng là điều rất cần thiết để giữ vững hạnh phúc gia đình. “Gia đình nào biết cầu nguyện chung, sẽ luôn bền vững” (“The family that prays together, stays together”, Father Patrick Peyton). Hãy có Chúa và Mẹ Maria ở trong gia đình chúng ta thì chúng ta sẽ dễ dàng vượt thắng những khó khăn hơn (noi gương gia đình tổ chức tiệc cưới Cana trong Bài Phúc Âm hôm nay.)

    Thực tế, gia đình nào cũng có những ngày mùa xuân tươi đẹp; nhưng cũng có những ngày mùa đông ‘lạnh giá’ và nhiều khi cũng có bão tố. Con thuyền gia đình có bao nhiêu ngày lướt đi êm đềm trên biển, yên sóng lặng, nhưng cũng không thiếu những ngày sóng to, gió lớn. Vợ chồng hãy cùng chung tay chèo chống, đừng trách trời, trách người, đừng đổ lỗi cho nhau sinh ra những bất hòa vào chính lúc cần hòa hợp yêu thương để vượt qua sóng gió. Lâu lâu, nên cùng nhau xem lại các hình ảnh thân thương cũng như những cuốn phim đã quay rất đẹp và tốn kém trong ngày thành hôn ngày nào để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm đó.

    Khi gặp những khủng hoảng quá lớn, hãy bày tỏ với các vị trưởng thượng, các Chủ Chăn, nhất là vị đã lo công việc hôn phối cho mình. “Đóng cửa bảo nhau” là điều tốt, nhưng khi vấn để đã không thể giải quyết được giữa hai vợ chồng, thì cần được sự nâng đỡ và giúp ý kiến của những người thân thương , thành thực giúp đỡ; những vị này thường có cái nhìn khách quan hơn, hiểu rõ vấn đề hơn, và đưa ra những giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên. Chính chúng tôi đã giúp đỡ được nhiều cặp gặp khủng hoảng, đi đến giải quyết êm thắm.

    Để đề phòng những căng thẳng, những khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, vợ chồng cần dành thời giờ để thương yêu nhau! Dành thời giờ để chăm lo cho con cái. Dành thời giờ để cùng đi dâng Thánh Lễ, cầu nguyện với nhau. Đi chơi chung gia đình, tham dự các sinh hoạt của Giáo xứ, tham gia ca đoàn, các hội đoàn, rộng rãi giúp đỡ người khác, nhất là người nghèo khó, bệnh tật, lâm cảnh khốn cùng (“hạnh phúc là sống cho người khác”). Đừng chỉ lo sống cho gia đình mình. Đừng mải mê “làm giầu” nhiều quá mà không còn thời giờ sống cho nhau và sống cho Chúa và cho tha nhân. Một gia đình biết sống cởi mở sẽ tránh được nhiều khủng hoảng, căng thẳng. Sống cho tha nhân, khi cần tha nhân lại tiếp tay với chúng ta.

    Xin Chúa và Mẹ Maria luôn hiện diện trong gia đình chúng ta, chúc lành cho gia đình chúng ta. Xin cho mọi người trong gia đình biết nâng đỡ lẫn nhau, cầu nguyện cho nhau, cùng nhau vui sống trong mái ấm gia đình, cùng nhau vượt thắng những khó khăn thử thách. Trước hết và trên hết xin cho chúng ta biết thương nhau và tha thứ cho nhau.

    “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời!

    Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người!

    Đâu có tình Bác Ái, thì Chúa chúc lành không ngơi!

    Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui!”

    ( Vinh Hạnh, Thánh Ca “Đâu Có Tình Yêu Thương)






    ______________________


    THÁNH THẦN VÀ LỬA

    (CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM C)



    (Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)


    SỰ THẬT MẤT LÒNG File?id=dcfnbjw4_235ccz5dd7g_b




    Chúng ta đã bắt đầu chu kỳ Phụng Vụ Năm C với Chúa Nhật I Mùa Vọng để chuẩn bị mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh. Sau Lễ Chúa Giáng sinh là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, tiếp sau là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh (Lễ Ba Vua); sau đó chấm dứt Mùa Giáng Sinh. Hôm nay, chúng ta mừng Chúa Nhật I Mùa Thường Niên với Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Năm nay, “Mùa Thường Niên, Phần I” sẽ kéo dài đến Chúa Nhật VI Thường Niên, sau đó sẽ bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro, để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Sau Lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh (Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa), rồi Chúa Nhật III, IV, V, VI và VII Mùa Phục Sinh (ở nhiều nơi, Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh); tiếp theo là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và chấm dứt Mùa Phục Sinh để bước sang “Mùa Thường Niên, Phần II” với Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, và sau đó là Chúa Nhật Thường Niên XI trở đi. “Mùa Thường Niên Phần II” sẽ chấm dứt với Lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ, và là Chúa Nhật cuối cùng của Niên Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, để rồi lại bước vào một Niên Lịch Phụng Vụ mới, Năm A.



    Như vậy, qua chu kỳ niên lịch Phụng Vụ, chúng ta được sống lại cuộc đời của Chúa Giêsu nơi trần gian với nhiều biến cố khác nhau từ khi Ngài sinh ra, lớn lên, ra đi rao giảng Tin Mừng tình thương, bị khổ nạn, chịu chết trên Thánh Giá, an táng trong mồ, sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta.



    Để chúng ta có thể đọc và sống lại lịch sử ơn cứu độ từ Cựu Ước đến Tân Ước, Giáo Hội đã chia lịch Phụng Vụ thành những chu kỳ Năm A, Năm B và Năm C, với Bài Đọc I thường trích trong Thánh Kinh Cựu Ước, Bài Đọc II trích từ Thánh kinh Tân Ước (Sách Công Vụ Tông Đồ, các Thánh Thư của Thánh Phaolô (14 thư), Thánh Phêrô (2 thư), Thánh Gioan (3 thư), Thánh Giacôbê (1 thư), Thánh Tađêô (1 thư), và Sách Khải Huyền . Bài Phúc Âm trích từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu, hoặc Matcô, Luca hay Gioan.



    Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là Chúa Nhật I Mùa Thường Niên. Mùa Thường Niên là mùa để chúng ta sống lại những ngày trong đời sống Công Khai của Chúa Giêsu cùng với những công việc Chúa Giêsu đã làm để rao giảng Phúc Âm tình thương của Ngài như: đến dự tiệc cưới Cana và làm phép lạ hóa nước thành rượu (Gioan 2: 1-11), đi rao giảng các nơi, làm các phép lạ, thăm viếng các gia đình, đến với mọi người, nhất là những người nghèo khó, bệnh tật để an ủi và nâng đỡ họ. Ngài cũng đến với những người tội lỗi, những người thu thuế, những người Biệt Phái để cảnh giác và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính; đặc biệt, Ngài gọi một số người để huấn luyện trở thành các Tông Đồ, và chuẩn bị lập Giáo Hội Chúa ở trần gian để tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi.



    Chúa Giêsu đã bắt đầu công cuộc rao giảng của Ngài bằng việc đến dòng sông Giordan để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. Đây chỉ là Phép Rửa để dọn lòng thống hối. Thánh Gioan đã ban phép rửa thống hối cho dân chúng trên dòng sông Giordan để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Sông Giordan là con sông chính của nước Do Thái, chảy dọc từ miến Bắc xuống Biển Hồ Tibêriat, rồi tiếp tục chảy xuống Biển Chết. Chỗ Thánh Gioan ban Phép Rửa Thống Hối là “Bêtania bên kia sông Giordan” (Gioan 1: 28) (Bêtania ở đây khác với Bêtania quê hương của chị em bà Matta, Maria và Lagiarô). Phép rửa của Thánh Gioan không phải là Bí Tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu đã lập. Phép rửa của Thánh Gioan chỉ là phép rửa thống hối, dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Còn Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội Nguyên Tổ và tội riêng chúng ta phạm (nếu là người lớn). Đây là sự thanh tẩy nội tại của Bí Tích Thanh Tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Tông Đồ 2: 1-4), khi các Tông Đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các Ngài, và biến đổi các Ngài trở nên những con người mới, những Tông Đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các Ngài rao giảng cho dân chúng. Các em nhỏ mới sinh đều có thể được chịu Bí Tích Rửa Tội để được thanh tẩy khỏi tội Nguyên Tổ. Còn những người lớn thì phải học để hiểu biết đầy đủ về Giáo lý, và phải có lòng thống hối từ bỏ tội lỗi.



    Bài Phúc Âm hôm nay (Luca 3: 15-16, 21-22) cho chúng ta thấy dân chúng đến chịu Phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả đông đảo và hỏi nhau xem Gioan có phải là Đấng Kitô không. Chính Thánh Gioan đã xác nhận ông không phải là Đấng Kitô. Ông cũng nói cho dân chúng biết ông chỉ rửa trong nước, nhưng Đấng Kitô đến sau ông “sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và lửa.” Chúa Giêsu cũng đến chịu phép rửa của Thánh Gioan để cùng hòa mình với dân chúng và bắt đầu cuộc sống công khai. Chính trong dịp này, “Thánh Thần Chúa đã ngự xuống trên Ngài theo hình chim bồ câu và có tiếng của Chúa Cha xác nhận : Con là con Cha yêu dấu, con đẹp lòng Cha mọi đàng.”



    Bài Đọc I (Isaia 42: 1-4, 6-7) ghi lại những lời Tiên Tri Isaia đã tiên báo về Đấng Kitô được Thiên Chúa chọn, và Thánh Thần thánh hiến, sai đi để đem ánh sáng chân lý đến cho mọi dân tộc. Bài Đọc II (Công Vụ Tông Đồ 10: 34-38) ghi lại lời giảng của Thánh Phêrô xác định rõ ràng Chúa Giêsu thành Nagiaret, chính là Ngôi Lời mà Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng cứu rỗi.



    Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến và cảm tạ Chúa về ân huệ chúng ta được lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội để trở nên con cái Chúa, và chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta có bổn phận phải sống trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa Tội là từ bỏ tội lỗi, giữ vững Đức Tin và luôn sống xứng đáng là những người con của Chúa. Vì thế, vào cuối lễ nghi Rửa Tội, chúng ta đã nhận lãnh tấm áo trắng và lời nhắn nhủ: “Con đã trở nên một con người mới và đã mặc lấy Chúa Kitô , chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con… Con hãy giữ nó tinh tuyền mãi đến cõi trường sinh.” Sau đó, chúng ta cũng được trao cây nến cháy sáng đốt từ ngọn lửa cây nến Phục Sinh với lời nhắn nhủ: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy sống như con cái sự sáng để được bền vững trong Đức Tin. Khi Chúa đến, con mới xứng đáng ra đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.” Nếu là người lớn, ngay sau khi nghi lễ Rửa Tội, chúng ta lại được chịu Bí Tích Thêm Sức để lãnh nhận đặc biệt ơn Chúa Thánh Thần và có bổn phận “làm chứng về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa,” lo chu toàn bổn phận Tông Đồ Giáo Dân: đem Chúa đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày bằng chính đời sống tốt lành của chúng ta.



    Chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau và nâng đỡ nhau trong cuộc sống để mọi nơi, mọi lúc, chúng ta luôn sống xứng đáng là con cái Chúa, và đem Chúa đến cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Cũng nhớ tiếp tục cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho các vị Chủ Chăn, các Linh Mục trong “Năm Linh Mục” này. Xin Mẹ Maria và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.



    Paul




Về Đầu Trang Go down
nguyenuyen17
TRUNG VIỆN
TRUNG VIỆN


Giới tính : Nữ
Tổng số bài gửi : 83
Điểm NHIỆT TÌNH : 125
Ngày tham gia : 07/10/2009
Đến từ : xứ sở buồn
Job/hobbies : teacher
Tâm trang : buồn

SỰ THẬT MẤT LÒNG Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: SỰ THẬT MẤT LÒNG   SỰ THẬT MẤT LÒNG EmptySat Jan 30, 2010 6:31 pm




    Paul đã viết:
    Sau Khi đã kết hôn, các bạn trẻ nên nhớ câu: “Mình với ta tuy hai mà Một.
    Ta với mình tuy một mà Hai!” Vợ chồng đã được Chúa kết hiệp nên một và
    sống chung suốt đời trong một gia đình (Mình với ta tuy hai mà một!);
    nhưng cần thông cảm các khác biệt nam nữ của nhau để bổ túc nhau cho có
    sự hải hòa (Ta với mình tuy một mà hai!). Hơn nữa, cần thông cảm những
    khuyết điểm của nhau, vì tất cả chúng ta đều chỉ là nhựng con người bất
    toàn. Hiểu như thế để dễ dàng tha thứ cho nhau “nếu người này có điều
    gì làm mất lòng người kia” (Colose 3: 13), dù phải tha thứ “bảy mươi
    bảy lần bảy…” Việc cầu nguyện chung trong gia đình cũng là điều rất cần
    thiết để giữ vững hạnh phúc gia đình. “Gia đình nào biết cầu nguyện
    chung, sẽ luôn bền vững” (“The family that prays together, stays
    together”, Father Patrick Peyton). Hãy có Chúa và Mẹ Maria ở trong gia
    đình chúng ta thì chúng ta sẽ dễ dàng vượt thắng những khó khăn hơn
    (noi gương gia đình tổ chức tiệc cưới Cana trong Bài Phúc Âm hôm nay.)

    Thực tế, gia đình nào cũng có những ngày mùa xuân tươi đẹp; nhưng cũng có
    những ngày mùa đông ‘lạnh giá’ và nhiều khi cũng có bão tố. Con thuyền
    gia đình có bao nhiêu ngày lướt đi êm đềm trên biển, yên sóng lặng,
    nhưng cũng không thiếu những ngày sóng to, gió lớn. Vợ chồng hãy cùng
    chung tay chèo chống, đừng trách trời, trách người, đừng đổ lỗi cho
    nhau sinh ra những bất hòa vào chính lúc cần hòa hợp yêu thương để vượt
    qua sóng gió. Lâu lâu, nên cùng nhau xem lại các hình ảnh thân thương
    cũng như những cuốn phim đã quay rất đẹp và tốn kém trong ngày thành
    hôn ngày nào để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm đó.

    Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó, nhưng cũng không nên vì thế mà buông xuôi, chúc cho tất cả mọi cặp vợ chồng có cái tết an lành và hạnh phúc, và những người chưa có người yêu thì tết nay sẽ tìm thấy và CLCGK thêm 1 tuổi thêm nhiều người



    nguyenuyen17




Về Đầu Trang Go down
 

SỰ THẬT MẤT LÒNG

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: 
SỐNG LỜI CHÚA
-
free counters