Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Sudieptutroi

 

 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
HatGiongLoiChua
Cấp bậc: TÂN BINH
Cấp bậc: TÂN BINH


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 6
Điểm NHIỆT TÌNH : 8
Ngày tham gia : 02/03/2013
Job/hobbies : Writing

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) EmptySat Mar 02, 2013 4:39 pm




    [center]Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13: 1-9).



    Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

    Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".

    [center]
    Đó là lời Chúa.



    HatGiongLoiChua




Về Đầu Trang Go down
HatGiongLoiChua
Cấp bậc: TÂN BINH
Cấp bậc: TÂN BINH


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 6
Điểm NHIỆT TÌNH : 8
Ngày tham gia : 02/03/2013
Job/hobbies : Writing

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) EmptySat Mar 02, 2013 5:51 pm




    CÁI NHÌN NỘI TÂM

    ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



    [center]
    Mùa Chay là mùa sám hối. Sám hối là đổi mới tâm hồn. Muốn đổi mới tâm hồn, phải đổi mới cách nhìn về con người và cuộc đời, về bản thân và tha nhân. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta những cách nhìn thời cuộc và biến cố theo tinh thần của Người.

    Thông thường, trước một biến cố, ta dễ có cái nhìn chính trị. Hôm nay, người ta thuật lại việc Philatô giết những người Do Thái trong Đền Thờ. Thời ấy, đế quốc Rôma đang thống trị nước Do Thái. Philatô là viên tổng trấn của Rôma. Tường thuật biến cố đau thương này, người ta mong Chúa Giêsu có cái nhìn chính trị, dấn thân vào chính trị. Người ta mong Chúa Giêsu kết án Philatô. Không bàn chính trị, không làm chính trị, cho dù sau này Chúa Giêsu vẫn bị kết án vì một tội chính trị. Không kết án Philatô, dù sau này chính Người bị viên tổng trấn này kết án.

    Trước mọi biến cố, Chúa Giêsu muốn ta có một cái nhìn tôn giáo, vượt lên trên lĩnh vực chính trị. Từ một câu hỏi thuộc bình diện chính trị, Chúa Giêsu đã đưa ra một giải đáp thuộc bình diện tôn giáo. Từ một biến cố gây xôn xao dư luận, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy ăn năn sám hối. Từ cái chết của thể xác, Chúa Giêsu hướng suy nghĩ ta tới cái chết của linh hồn: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó bị như vậy là vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.

    Đối với người khác, ta dễ có cái nhìn kết án. Khi gặp một người mù từ thuở mới sinh, người ta hỏi Chúa Giêsu: “Đây là do tội nó hay tội của cha mẹ nó?”. Gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, người ta muốn kết án chị. Họ có thói quen cho rằng thành công là một ân huệ Chúa thưởng cho người đạo đức, còn tai hoạ là hình phạt Chúa dành cho kẻ tội lỗi. Hôm nay, chứng kiến những nạn nhân bị thiệt mạng, những người tường thuật đều nghĩ rằng những nạn nhân ấy chết vì họ tội lỗi, còn tôi vô sự, điều đó chứng tỏ tôi vô tội. Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo họ: Các ông cũng là kẻ tội lỗi. Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết thảm khốc hơn những nạn nhân kia nữa. Chúa Giêsu dạy ta có cái nhìn bao dung. Nếu có phải xét đoán, hãy xét mình trước khi xét người. Nếu có phải lên án, hãy lên án chính bản thân mình trước khi lên án người khác: “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”. “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.

    Sau cùng, ta thường có cái nhìn ảo tưởng. Ta xây dựng những chương trình to lớn, những tham vọng đổi mới xã hội. Chúa Giêsu dạy ta hãy có cái nhìn thực tế: Đừng ảo tưởng với những chương trình to tát, lấp biển vá trời. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đừng có ảo tưởng đổi mới xã hội, cải tạo thế giới. Trước hết, hãy đổi mới chính mình, cải tạo bản thân mình. Tục ngữ Trung quốc có câu: Nếu mỗi người trông hoa trước cửa nhà mình, cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp. Đổi mới chính mình đó là góp phần vào đổi mới thế giới.

    Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng ánh mắt ta lên cao, vượt thoát lĩnh vực tự nhiên để vươn tới lĩnh vực siêu nhiên. Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta xuyên qua những lớp bì phủ bên ngoài để soi chiếu vào chiều sâu nội tâm. Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta ra khỏi những ảo tưởng, đối diện với thực tế bản thân để trước mỗi biến cố ta tự xét và đổi mới chính mình.
    Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim con. Amen.

    KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
    1. Trong các biến cố, bạn có tìm thấy ý Chúa không?
    2. Bạn có nghĩ rằng hễ ai gặp may thì đó là người đạo đức, ai gặp tai nạn thì đó là người tội lỗi không?
    3. Muốn đổi mới gia đình, xã hội, phải đổi mới bản thân trước. Bạn nghĩ sao về điều này?

    ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



    HatGiongLoiChua




Về Đầu Trang Go down
HatGiongLoiChua
Cấp bậc: TÂN BINH
Cấp bậc: TÂN BINH


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 6
Điểm NHIỆT TÌNH : 8
Ngày tham gia : 02/03/2013
Job/hobbies : Writing

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) EmptySat Mar 02, 2013 5:55 pm




    [center]AI TỐT AI XẤU?

    Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



    Đoạn Tin Mừng đề cập tới hai ‘tai nạn’ rất thời sự nhưng chỉ mang tính tượng trưng: một hoàn toàn ngẫu nhiên là ngọn tháp đổ, và một có nguyên nhân chính trị là cuộc tàn sát trong đền thờ. Những biến cố tương tự như thế sẽ xảy ra hàng ngày như cơm bữa trong đời sống bất kỳ ai. Thế nhưng nhiều người lại thích đặt điều: tại sao người này bị, kẻ khác lại không? Phải chăng vì người này tội lỗi còn kẻ kia tốt lành, người này xui xẻo còn kẻ kia may mắn chăng?... Âu đó cũng là thái độ rất ư là thường tình của nhân tình thế thái qua mọi thời đại.

    Thế còn Kitô hữu sống theo tinh thần Tin Mừng thì thái độ của họ phải ra sao? Họ có lối suy nghĩ nào khác hơn không nhỉ? Đức Giê-su cho thấy là các môn đệ Người phải có lối suy nghĩ khác: Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu”.

    Kẻ xấu người tốt, đó là lối phân biệt thông thường, nhưng liệt kê xếp loại người này người kia vào thứ hạng nào đó thì lại là điều Kitô hữu không được phép làm, nhất là khi chỉ dựa vào các sự kiện xảy ra được người đời coi là quả báo. Đức Giêsu đã chẳng thẳng thừng ngăn chặn lối suy nghĩ này: Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét (Mt 7,1-5)? Tại sao lại thế nhỉ?

    Thường thì trong cuộc sống, ‘quả báo’ được coi là một định luật hiển nhiên: ác giả thì ác báo, ở hiền thì gặp lành. Và luật quả báo chứa đựng một sức mạnh vạn năng trong lãnh vực luân lý: nó buộc người ta phải làm lành lánh dữ. Khó có thể tưởng tượng nổi, nếu không có quả báo thì làm sao có thể duy trì được nền luân lý trên thế giới này, và bảo đảm được trật tự xã hội? Và thế là người ta có khuynh hướng giải thích nguyên nhân các biến cố xảy ra theo định luật quả báo này. Cứ xem những gì xảy ra cho một người là biết được người đó tốt hay xấu: nếu không bị phạt nhãn tiền thì trước sau cũng bị trời trừng trị…! Câu chuyện ông Gióp trong Cựu Ước đã cho thấy, dứt ra khỏi lối suy nghĩ cố hữu này không phải là chuyện đơn giản.

    Đức Giêsu cho biết một điều căn bản: nếu so sánh con người với nhau thì tất nhiên có người tốt kẻ xấu; nhưng đứng trước mặt Thiên Chúa thì mọi người, không trừ một ai, đều cần tới ơn cứu độ và lòng xót thương. Các tai họa xảy ra quanh ta, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến số mệnh ta, không chỉ đơn thuần kêu gọi ta có lòng trắc ẩn đối với các nạn nhận, nhưng phải luôn đưa Kitô hữu chúng ta giáp mặt với Thiên Chúa từ nhân và mở lòng đón nhận tình thương xót của Người. Việc sám hối Đức Giêsu kêu gọi không chỉ mang tính luân lý là phải cải tà qui chính để khỏi bị luận phạt, nhưng trước hết chính là trở về với Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu tha thứ cứu độ. Chính vì thế mà mọi tai họa lớn nhỏ xảy ra trong đời, đối với Đức Giêsu, đều có thể và phải trở nên một lời mời gọi để con người sám hối trở về với lòng thương xót vô bờ bến của Chúa Cha nhân hiền.

    Con người sẽ không bao giờ xứng đáng với lòng thương xót đó. Nó luôn luôn được trao ban cách nhưng không, qua một trung gian duy nhất là Đức Kitô Giêsu. Không có lòng thương xót cứu độ đó, con người dầu có được coi là lương thiện và tốt lành tới mấy thì cũng chỉ tựa như một cây vả bề ngoài xem ra tốt tươi, cành lá xum xuê mà chủ vườn là Thiên Chúa không thể tìm thấy bất cứ hoa trái nào xứng đáng. Người làm vườn – là Đức Kitô Giêsu – hằng can thiệp để được tiếp tục tưới bón bằng sự tự hiến cứu chuộc của Người. Kitô hữu chính là những cây vả đã được tưới bón bằng ơn cứu chuộc đó, không phải chỉ đơn giản để tiếp tục tốt tươi xum xuê với sự tốt lành thánh thiện mình vun quén, nhưng là để có được trái ngon ngọt của nhận biết và sống ơn cứu độ của tình Chúa mến thương. Nếu Thiên Chúa là tình yêu và là Đấng giầu lòng từ bi và hay thương xót, thì Ông Chủ này cũng chỉ mong tìm thấy nơi các Kitô hữu thái độ chân thành nhìn nhận tình trạng lỗi tội của mình, mở lòng đón nhận ơn cứu độ, và nỗ lực thi thố lòng thương xót đó đối với tha nhân trong đời sống hàng ngày. Mùa chay chính là thời gian tưới bón, vun xới và bón phân cho nó”, là thời gian hướng cặp mắt các tín hữu tới Thập giá Đức Kitô, biểu hiện vĩ đại nhất của Thiên Chúa xót thương và cứu độ, để mong sang năm nó có trái”. Mùa chay quả thực là thời gian đâm bông kết trái cho đời sống đức tin của người tín hữu, là thời gian sám hối tội lỗi, trên hết là thời gian để nhận biết hồng ân cứu độ, đồng thời để thực thi lòng nhân ái Chúa qua các phục vụ yêu thương trong đời sống thường ngày.

    Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã lại cho con được hưởng một mùa chay thánh nữa, đã lại cho con được ‘vun xới và tưới bón’ bằng hồng ân cứu độ. Xin cho con mở rộng tâm hồn đón nhận tình Chúa xót thương qua việc chiêm ngắm cuộc khổ hình và cái chết Thập giá của Đức Kitô Giêsu, Cứu Chúa của con. Con ước mong rằng, qua mùa chay thánh năm nay (rất có thể cũng là mùa chay cuối cùng của đời con?), Chúa sẽ tìm thấy được nơi niềm tin của con trái thơm mà Chúa hằng mong đợi: dìm mình vào lòng lân tuất Chúa và thi thố bác ái với hết mọi người. Xin cho con được nhận biết và được biến đổi trong tình thương xót hải hà của Chúa. Amen


    [right]Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



    HatGiongLoiChua




Về Đầu Trang Go down
HatGiongLoiChua
Cấp bậc: TÂN BINH
Cấp bậc: TÂN BINH


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 6
Điểm NHIỆT TÌNH : 8
Ngày tham gia : 02/03/2013
Job/hobbies : Writing

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) EmptySat Mar 02, 2013 5:56 pm




    [center]HÃY SINH HOA TRÁI

    Lm. Jos Tạ Duy Tuyền




    Cuộc sống con người luôn có những hối tiếc do lầm lẫn của quá khứ. Hối tiếc vì mình đã sống như thế ! Hối tiếc vì việc tốt mà mình đã bỏ qua. Hối tiếc vì việc mình làm đã gây nên đau khổ cho tha nhân. Và dường như, ai trong chúng ta cũng từng hối tiếc về một việc làm nào đó.

    Nhà bác học Einstein: “Cha đẻ của nguyên tử lực” là một người Đức gốc Do thái. Ông đã chạy trốn khỏi nước Đức và định cư tại Mỹ năm 1933 vì sự truy sát của Hitte. Năm 1939, Einsten đã trình lên Tổng thống Mỹ Roosevet, dự án chế tạo bom nguyên tử để đề phòng sự bành trướng của nước Đức. Dự án đã được Tổng thống phê duyệt. Năm 1941 bom nguyên tử đã ra đời và đã thử nghiệm thành công. Thế nhưng, tới năm 1945, sau khi hai quả bom nguyên tử nổ tại Hyrosima và Nagasaky, khiến hàng trăm ngàn người chết oan uổng, Einstein đã hối tiếc và nói rằng: “Nếu tôi có thể làm lại cuộc đời, thì tôi sẽ làm một anh thợ hàn còn hơn làm một nhà Khoa học.”

    Đôi khi nhìn lại mình chúng ta vẫn thấy mình là tội nhân. Có biết bao lời nói như những mũi tên chúng ta đâm thấu trái tim bao người. Có biết bao lời nói, việc làm chúng ta đã gieo vãi những đau khổ vào cho nhân thế. Có rất nhiều lần chúng ta cũng từng nuối tiếc như Einstein : Nếu có thể làm lại, chúng ta sẽ không làm như thế !

    Người Việt Nam có câu : “Ai nên khôn mà không dại một lần”. Lầm lỗi, yếu đuối, thiếu sót là lẽ thường tình của thân phận con người. Điều quan yếu không phải chỉ nhìn nhận tội mình rồi than khóc tội mà là canh tân, khắc phục hậu quả việc mình đã gây ra. Nhất là biết đứng dậy sau những lần vấp ngã. Cuộc đời có vấp ngã, có lầm lỗi mới có kinh nghiệm để chiến thắng, để vượt qua những cám dỗ trong cuộc đời.

    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối khi thời gian còn thuận tiện. Đừng thử thách Thiên Chúa nhưng hãy thật lòng ăn năn trở về cùng Chúa. Sự trở về không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn về tội đã phạm mà còn phải sống theo lời mời gọi của Chúa: “Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối”. Hoa trái của sự thánh thiện. Hoa trái của việc lành phúc đức. Hoa trái của đời sống công bằng bác ái. Hoa trái của đời sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xem ra đường trở về là không khó. Cái khó là ở việc sinh hoa kết trái. Làm sao chúng ta có thể sống thanh sạch, đang khi còn sống giữa thế gian mà sự dâm ô, tục tĩu, lăng loàn đang có mặt mọi nơi và mọi chốn? Làm sao làm việc lành phúc đức, đang khi phải cố gắng bươn chải với kế sinh nhai, với miếng cơm manh áo từng ngày? Làm sao giữ được công bằng bác ái, đang khi sống giữa thế gian đầy bất công và hận thù? Làm sao sống yêu thương và phục vụ đang khi nhu cầu của bản thân vẫn thiếu thốn tư bề?

    Sinh hoa kết trái là khó nhưng đó là quy luật của sự tồn tại. Cây không sinh hoa kết trái là tự hủy diệt mình. Cây có sinh trái. Trái mới cho hạt. Hạt mới nẩy sinh cây để đơm hoa kết trái. Quy luật tuần hoàn là thế. Cuộc sống con người cũng vậy. Con người chỉ nhận được niềm vui của sự an bình và hạnh phúc, khi biết gieo yêu thương vào đời. Con người chỉ tồn tại khi biết xoá bỏ những trái đắng của bất công và hận thù. Thế nhưng, biết bao người vì lòng tham đã tự giết đời mình trong những đam mê của danh lợi thú. Biết bao người vì những tham sân si đã trở thành trái cay, trái đắng cho đời những phiền lụy đắng cay. Làm người phải biết sống yêu thương. Tình yêu thương không cho phép chúng ta sống lỗi công bình bác ái với tha nhân, và càng không cho phép chúng ta dửng dưng trước sự bất hạnh của anh em. Lòng yêu thương đòi buộc chúng ta phải yêu tha nhân như chính mình. Mỗi người hãy biết sống vì người khác. Ai cũng cầu cho mình được bình an hãy biết kiến tạo bình an cho tha nhân. Ai cũng mong muốn được sống hạnh phúc hãy gieo niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Ai cũng muốn được quan tâm chăm sóc, hãy biết cho đi để được nhận lại. Đó cũng là điều mà Chúa từng mời gọi chúng ta: “Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho anh em như vậy”.

    Hơn nữa, gieo yêu thương sẽ không bao giờ thua lỗ. Gieo yêu thương sẽ gặt hái được biết bao hoa trái của tình yêu. Càng gieo yêu thương càng được đón nhận nhiều những nghĩa cử yêu thương. Khi gieo yêu thương thì hận thù tan biến; bác ái sẽ nở hoa, công lý và hoà bình sẽ đơm bông kết trái. Người gieo yêu thương sẽ gặt hái được cây sự sống mang lại hạnh phúc trường sinh.

    Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Biết sống cho đi để được nhận lại. Biết chết đi những đam mê ích kỷ của mình để trở nên khí cụ mang tin yêu và hạnh phúc gieo vào nhân thế hôm nay. Amen


    [right]Lm. Jos Tạ Duy Tuyền



    HatGiongLoiChua




Về Đầu Trang Go down
HatGiongLoiChua
Cấp bậc: TÂN BINH
Cấp bậc: TÂN BINH


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 6
Điểm NHIỆT TÌNH : 8
Ngày tham gia : 02/03/2013
Job/hobbies : Writing

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) EmptySat Mar 02, 2013 5:57 pm




    [center]TRỔ SINH HOA TRÁI THIÊNG LIÊNG

    Lm. Inhaxiô Trần Ngà



    Sáng hôm ấy, Thầy giáo cho các em học sinh một trò chơi. Thầy chia học sinh trong lớp thành hai nhóm. Mỗi nhóm phải lần lượt đưa ra đáp án cho câu hỏi của thầy. Nhóm nào thắng sẽ được một gói quà, nhóm nào thua phải quét lớp.
    Câu hỏi được ghi lên bảng như sau: Em hãy cho biết công dụng của viên gạch.
    Hai nhóm lần lượt đưa ra các câu đáp như sau: Gạch được dùng để xây nhà – lót đường đi, lót sân – kê chân bàn, chân tủ – chặn cửa – chận bánh xe – chặn giấy - kê thành bếp nấu ăn (khi đi trại) – làm gối kê đầu khi dã ngoại - giã lương thực (giã gạo) thay cho chày – dùng thay búa để đập – tự vệ trước đối thủ - tấn công đối thủ, ném chó – làm thớt – vân vân…
    Không ngờ viên gạch xem ra quá đỗi tầm thường mà có thể mang lại nhiều công dụng như thế.
    Tiếp đến, Thầy giáo đề nghị nêu lên công dụng của cây xương rồng bà, loại cây nầy có nhiều gai tua tủa trên hai mặt lá, thân cao từ một đến hai mét, mọc dày trên những đồi núi khô cằn.
    Hai nhóm lại lần lượt nêu lên những công dụng sau: trồng làm hàng rào bảo vệ nương rẫy - thức ăn cho dê cừu (sau khi dùng rơm rạ đốt cho cháy xém) - che chắn gió - phủ xanh đồi trọc - chống xói mòn - cung cấp trái cho chim chóc - ủ làm phân xanh, vân vân…
    Cũng không ai ngờ cái thứ xương rồng đầy gai góc, tưởng là vô tích sự đáng chặt bỏ kia lại cống hiến cho đời nhiều công dụng tốt lành như thế.
    Sau cùng, Thầy giáo nêu lên câu hỏi thứ ba: Em hãy cho biết lợi ích mà những kẻ lười biếng chẳng làm việc gì, có thể mang lại cho xã hội.
    Đến đây, nhiều khuôn mặt hồn nhiên trở nên đăm chiêu tư lự, một số em vò đầu, nhiều em cắn bút suy nghĩ hồi lâu mà không ai tìm được bất kỳ một cống hiến nào của nhóm người nầy cho nhân quần xã hội.

    Qua Tin Mừng Luca (13, 6-9), Chúa Giê-su đề cập đến một cây vả vô tích sự, chẳng mang lại lợi ích gì, còn thua cả viên gạch hay cây xương rồng trong câu chuyện trên đây. Người nói: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13, 6-9)

    Qua đoạn Tin Mừng nầy, Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hãy sám hối và một trong những lý do khiến người ta phải sám hối là vì đã không dùng thời giờ và năng lực Chúa ban để sinh nhiều “hoa trái” vật chất hay tinh thần.

    Trổ sinh những loại hoa trái nào đây?
    Mỗi người chúng ta là một thứ cây rất quý được Thiên Chúa đem trồng trong vườn nho của Chúa.
    Mỗi con người là một tạo vật rất tuyệt vời do Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người và được Thiên Chúa bồi bổ cho bằng Lời hằng sống và bằng vô vàn ân huệ cao quý. Thế nên, nếu chúng ta không trổ sinh được hoa trái thì, theo lời Chúa nói, đáng bị hủy diệt.

    Nâng cao phẩm chất của mình, làm gương sáng, làm tròn bổn phận đối với Chúa, chu toàn bổn phận đối với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em trong gia đình, tham gia xây dựng phúc lợi cộng đồng, chăm lo phục vụ những người gặp khó khăn, bệnh tật, túng thiếu… đang sống chung quanh ta là những hoa trái tốt lành mà mọi người có thể cống hiến cho Chúa và cho đời. Trái lại, nếu ta không cống hiến được gì cho Thiên Chúa và xã hội, thì thực đáng buồn và có thể phải chung số phận với cây vả không trái trên đây.

    Lạy Chúa Giêsu,
    Chúa như người làm vườn nhân hậu đã nài xin Chúa Cha ban cho chúng con thêm một cơ hội chót để hoặc là trổ sinh hoa trái tốt lành hay là chết.
    Xin cho chúng con biết tận dụng thời giờ còn lại để lập thêm công đức, để sinh nhiều hoa trái tốt, hoa trái vật chất cũng như hoa trái thiêng liêng, nhờ đó cuộc đời chúng con tăng thêm giá trị và chúng con sẽ làm vinh danh Chúa bằng đời sống cao đẹp của mình.


    [right]Lm. Inhaxiô Trần Ngà



    HatGiongLoiChua




Về Đầu Trang Go down
HatGiongLoiChua
Cấp bậc: TÂN BINH
Cấp bậc: TÂN BINH


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 6
Điểm NHIỆT TÌNH : 8
Ngày tham gia : 02/03/2013
Job/hobbies : Writing

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) EmptySat Mar 02, 2013 5:58 pm




    [center]PHÚC VÀ HỌA

    AM Trần Bình An




    Theo dữ liệu mới được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập, về vụ nổ thiên thạch xảy ra sáng 15/2/2013 tại Nga, kích thước ước tính của vật thể trước khi rơi vào bầu khí quyển Trái đất là 17m (thay vì 15 m như tính toán trước đó), với khối lượng 10.000 tấn.

    Năng lượng phát ra trong vụ này tăng từ 30 kiloton (theo ước tính ban đầu) lên gần 500 kiloton, tương đương với 30 quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima năm 1945. Rất may là hầu hết năng lượng của vụ nổ đã bị hấp thụ bởi bầu khí quyển. Thiên thạch đã lao vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24 km so với mặt đất, gây ra đám mưa thiên thạch trên bầu trời các tỉnh Chelyabin, Tyumen, Kyrgan và Sverdlovsk cũng như nhiều địa phương ven dãy núi Urals của Nga.

    Hơn 1.200 người dân ở các địa phương bị thương, trong đó có 50 người phải nhập viện. Tỉnh trưởng Chelyabin, ông Mikhail Yurevich cho biết tại tỉnh này có 100.000 nhà ở, bệnh viện và trường học bị vỡ kính cửa sổ hoặc hỏng mái với tổng thiệt hại ước tính lên hơn hơn 33 triệu USD.
    Các chuyên gia cho rằng các khối thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái đất từ 5 - 10 lần mỗi năm. Nhưng khả năng xảy ra nổ thiên thạch lớn trên diện rộng khiến 1.200 người bị thương ở Nga mới đây chỉ xảy ra một lần trong ít nhất 100 năm. (Internet)

    Thiên tai vừa xảy ra khiến người tín hữu Kitô hôm nay liên tưởng ngay đến vụ tháp Silôác đổ xuống, khiến 18 người tử vong. Điều Chúa Giêsu muốn nói đến nhân sự kiện này, là sự phán xét, lòng sám hối và lòng thương xót. (Lc 13, 1-9)

    Xét mình thay xét người
    Khi nghe thuật lại vụ một số người Galilê bị quan Tổng trấn Philatô sát hại, Chúa Giêsu không rơi vào cái bẫy bộc lộ quan điểm chính trị, không phán xét những nạn nhân đáng thương hay xấu số. Mà Người lại kêu gọi chính những người kể chuyện, hãy xét lại chính mình.
    Nhân tiện, Chúa Giêsu thuật lại sự kiện 18 nạn nhân bị tháp Silôác đổ, Người cũng kêu gọi người nghe hãy coi lại bản thân.

    Thay vì dễ dãi làm quan tòa, quen thói xét xử người khác, thì khiêm tốn làm tội nhân, để biết ăn năn, thống hối tội lỗi của chính mình. Khi phán xét người khác thì mặc nhiên tự coi mình làm kẻ cả, có thẩm quyền xét xử công tội người khác, một biến tướng của tánh kiêu ngạo, chính là tiếm quyền tối thượng của Thiên Chúa.

    Ồ! tôi vô tội, tôi đâu trộm cắp, đâu gian tham, ức hiếp, hại ai? Tôi đạo đức lễ lạy hằng ngày, kinh sách hằng đêm. Nhưng tôi hay ra cái điều hiểu biết, trí thức, khôn ngoan, sắc sảo nhận định, nhạy bén phê phán, xét đoán, thâm thúy phẩm bình thiên hạ, tôi còn phạm những điều thiếu sót nữa.Vậy tôi phỏng sẽ được phúc trường sinh, hay họa sa hỏa ngục?

    Sám hối
    Sau hai biến cố và tai họa vừa nhắc đến, Chúa Giêsu rút ra một bài học, một kết luận chung duy nhất: “Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy!”(Lc 13, 3&5)

    Từ cái chết thể xác, Chúa nhắc đến cái chết linh hồn, cái án phạt muôn đời. Từ cái thuyết nhân quả đời này, Chúa áp dụng thuyết nhân quả vào đời sau.

    Có thành tâm xét mình, tôi mới biết tội lỗi đã vấp phạm đến tha nhân và đến Chúa như thề nào. Tôi ân hận đã xúc phạm đến anh em, bè bạn, vợ con, hàng xóm, đồng nghiệp, và nhất là xúc phạm đến Chúa. Tôi đã phạm tội và đã thiếu sót, vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu đức Ái, thiếu đức Trong sạch, lỗi phép Công bằng… Lúc này, tôi đang gặp họa, hay sắp có phúc?

    Lòng Thương Xót
    Lòng nhân từ của Chúa Giêsu không dừng lại nơi đây, mà mở ra một niềm hy vọng tươi sáng. Với dụ ngôn cây vả không trái sau ba năm vun trồng, ám chỉ sau ba năm nghe rao giảng, mà con người vẫn cứng lòng, không chịu nghe theo Tin Mừng, Chúa Giêsu chân thành biểu lộ Lòng Thương Xót vô ngần.
    “Thưa ông, ông cứ để nó lại năm nay nữa, tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13, 8-9)

    Như thế, khi nghe người làm vườn nài nỉ, van xin chủ vườn khoan chặt cây vả không sinh hoa kết trái, tôi có nhận ra Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa chăng? Vì Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung.” (Tv 103, 8). Ngài còn cho tôi cơ hội và thời gian, để hoán cải, để đơm bông kết trái, tất nhiên tôi phải chịu nhiều thách đố, chịu lột xác đau khổ, tỉa cành, chặt rễ, khấc thân, vô phân. Vậy tôi còn phúc nào hơn nữa?
    Ngay sau vụ mưa sao băng ở Nga vào ngày thứ sáu 15/2/2013, thiên thể 2012 DA14lớn bằng bể bơi Olympic, có bè ngang tới 50 mét, với sức mạnh có thể xóa sổ một thành phố cỡ như London,đã bay sượt qua trái đất ở khoảng cách gần 28.000km, khoảng cách bằng 1/10 khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, và không gây hại gì, (BBC)
    May mắn, chưa có mảnh thiên thạch nào đó rơi ngay xuống vùng tôi cư ngụ, chắc chắn vì lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Đó chính là hồng phúc của Người Cha Nhân Từ.

    “Con đau đớn vì thấy nhiều phản bội với Chúa: tốt, nhưng chưa đủ. Phải làm như Mađalêna “được tha nhiều vì đã yêu nhiều.” Phải làm như Gioan, trốn bỏ Chúa trong vườn Giệtsimani, nhưng trở lại đứng bên thánh giá, dốc quyết hằng yêu mến bằng hành động.” (Đường Hy Vọng, số 890)
    Lạy Chúa Giêsu, chưa bao giờ nhân loại gặp nhiều thiên tai, hoạn nạn như hiện nay, xin Chúa thức tỉnh lòng trí con, để chân thành ăn năn sám hối, hầu xứng đáng được hưởng lòng từ bi thương xót của Chúa.
    Lạy Mẹ Maria, đã bao lần Mẹ hiện ra, nhắc nhủ, khuyên lơn mọi người, hãy ăn năn sám hối, xin Mẹ gúp con biết hoán cải trở về với Chúa, đừng tiếp tục thách thức lòng vị tha nhân hậu của Chúa nữa. Amen


    [right]AM Trần Bình An.



    HatGiongLoiChua




Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)   Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9) Empty







    Sponsored content




Về Đầu Trang Go down
 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lc (Lc 13: 1-9)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: Trang Giáo lý viên-
free counters