Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Sudieptutroi

 

 Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
PeterLuong
Admin

Admin
PeterLuong

Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 668
Điểm NHIỆT TÌNH : 1851
Ngày tham gia : 17/08/2009
Đến từ : Peterluong80@yahoo.com
Job/hobbies : I Love You Jesus

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:47 am




    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 1-4. 4, 14-21)..

    Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

    Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

    "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".

    Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".

    Đó là lời Chúa.



    PeterLuong




Về Đầu Trang Go down
http://www.clcgk.forumvi.com
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:50 am




    ỨNG NGHIỆM LỜI CHÚA
    ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
    Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.



    Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tim hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.



    Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.



    Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều. Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình. Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.



    Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần. Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi. Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc. Ta sẽ được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn. Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Như một phản hồi hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quý nhất.



    KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

    1. Bạn có thường xuyên đọc Kinh Thánh không?

    2. Bạn tìm gì trong sách Kinh Thánh: khôn ngoan, lịch sử hay thánh ý Thiên Chúa cho đời bạn?

    3. Khi đọc Kinh Thánh bạn có nghĩ rằng Chúa đang nói với bạn không?

    4. Bạn có thấy một câu Kinh Thánh ứng nghiệm vào bạn và bạn quyết tâm thực hiện không?
    ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:51 am




    ĐIỀU GÌ ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM?
    Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
    Đức Giêsu đã đọc trong hội đường Na-da-rét bản văn của ngôn sứ I-sai-a câu 61,1-2. Vị ngôn sứ nói cho người Do Thái lưu đầy biết mình được thần khí (= sức mạnh) của Chúa Giavê tác động để công bố thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm và giải thoát họ: “cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha”. Tác giả Luca nhấn mạnh tư tưởng này khi ghép thêm câu trả lại tự do cho người bị áp bức từ một đoạn văn khác (Is 58,6) . Đức Giêsu trịnh trọng tuyên bố cho cử tọa, là những đồng hương của Người, rằng: hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”. Trong khi những người Do Thái thời ngôn sứ Isaia hiểu được tha, trả tự do có ý nghĩa là gì trong bối cảnh chính trị, xã hội và quân sự thời đó, thì các thính giả đồng hương của Đức Giêsu có vẻ còn khá mù mờ. Họ mong được chứng kiến hay được hưởng lợi từ những điều kỳ lạ mà họ nghe đồn Ngài đã từng làm tại Caphácnaum. Còn người thời đại này thì sao? Các Ki-tô hữu chúng ta ngày nay nghiệm ra điều gì trong hoàn cảnh sống cụ thể hàng ngày? Đã ứng nghiệm có nghĩa lý gì đối với bản thân từng người chúng ta?



    Tôi thử tưởng tượng: nếu mình được sống trong một đất nước dân chủ và phát triển cao, nếu là người tài đức, thông thái và có địa vị cao trong xã hội… thì mình sẽ hiểu lời công bố này sao đây? Thản hoặc nếu là một hiền triết, một nhà tu hành đắc đạo và thuần thục của một tôn giáo cao quí nào đó… chẳng lẽ tôi sẽ lắc đầu nhún vai coi lời này chẳng có liên quan gì tới mình? Tôi có bị ai áp bức đâu! Tôi có cần được ai tha hay trả tự do cho đâu! Nếu quả ‘Tin Mừng’ Đức Giê-su loan báo trong Thần Khí ứng dụng cho hết thảy mọi người, mọi thời và mọi hoàn cảnh, thì được tha, trả tự do này phải mang một nội dung rất phổ quát, ứng nghiệm cho hết thảy mọi người, trong bất luận kiếp sống làm người nào. Vậy thì ‘ứng nghiệm’ đó thực tế hệ tại ở điều gì?



    Vào thời Isaia, cốt lõi của sứ điệp mà vị ngôn sứ muốn chuyển tải là ‘Thiên Chúa trung thành’ với giao ước mà Ngài đã ký kết với dân riêng, bất chấp các thăng trầm thời cuộc. Còn Đức Giêsu, Người tới để công bố một sứ điệp khác là ‘Thiên Chúa yêu thương’ bất chấp tất cả mọi giới hạn và bất toàn mà phàm nhân nào cũng có. Chính Giêsu là hiện thân sống động của sứ điệp cách mạng đó, toàn bộ cuộc sống Người, kể từ lúc sinh ra cho tới giây phút chết trên thập giá. Vì lẽ đó chỉ duy nhất Người có quyền công bố hôm nay đã ứng nghiệm”. ‘Thiên Chúa yêu thương’ quả là một sứ điệp có sức trả tự do cho hết thảy mọi người, không trừ một ai, sống trong bất kỳ hoàn cảnh hay địa vị nào. Hết thảy mọi người đều cần thứ Tin Mừng này. Có nhiều khi bị áp bức lồ lộ và quái ác, nhưng cũng có những lúc nó âm ỉ và day dứt… Tựu chung, tôi không ngừng ‘bị áp bức’ bởi nỗi lo sợ không còn được ai yêu thương mình nữa, vì những bất toàn hay lỗi lầm mình đã phạm. Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm về điều này trải dài trong suốt cuộc sống. Lo sợ tới từ những người lẽ ra tôi phải cảm nhận được cảm thông và tha thứ nhiều nhất, từ cha mẹ, người thân, chồng vợ hay bạn bè… các tu sĩ cùng dòng, các linh mục đồng liêu v.v… Do đó nỗi lo sợ cứ chồng chất và dai dẳng đeo bám mỗi người chúng ta không nguôi.



    Thời Isaia, cứ mỗi 50 năm thì người Do Thái có một năm toàn xá: nợ nần được tha, chênh lệch xã hội được xóa bỏ, tội nhân tù đày được giảm án hay phóng thích. Trong thần khí (=sức mạnh của Đức Chúa) mà vị ngôn sứ công bố một năm hồng ân”.Còn Đức Giêsu, khi lên tiếng công bố cùng một lời loan báo đó, đã hàm ý ‘năm hồng ân’ chính là bản thân Người. ‘Năm’ đây không có niên hạn nhất định, nhưng là bao lâu Người (= Chú Rể) còn sống và hiện hữu, trên trần thế và trong vĩnh hằng. Các Kitô hữu luôn miệng tuyên xưng Người đã sống lại và hằng sống, có nghĩa là ‘năm hồng ân’ này sẽ bất tận… vì ‘Thiên Chúa yêu thương’ sẽ mãi mãi xóa bỏ mọi nợ nần và tù tội trong ơn cứu chuộc của Đức Kitô Giêsu.



    Còn một điều này nữa. Luca ghi nhận phản ứng của các đồng hương Na-da-rét tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng thử hỏi sự tán thành này có nghĩa gì, khi chỉ ít phút sau đó mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ’, rồi rắp tâm tiêu diệt Người? Kitô hữu cũng giáp mặt cùng một nguy cơ đó, họ biết về ‘Thiên Chúa yêu thương và nhân ái’ và rất thường nói tới, nhưng rồi đầu óc lôgich lại dễ dàng ép họ quay về với mối hãi sợ bị Thiên Chúa công thẳng luận phạt. Họ quên rằng: làm lu mờ niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương tha thứ chính là phản bội hay tiêu diệt Đức Kitô đã hiến mình trên thập giá. Làm như thế, họ cũng chẳng khác nào các đồng hương Nadarét của Đức Giêsu là mấy, họ cũng rắp tâm chối bỏ để cho Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, ít là nơi chính mình.



    Lạy Chúa, xin cho con nhảy mừng vì lời Chúa công bố ‘hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh’. Như Mẹ Maria, con xin tin vững vàng và nhảy mừng luôn mãi ‘vì Người đã đoái thương phận hèn’ của con. Xin cho con luôn mãi xác tín rằng “Chúa yêu thương và tha thứ” vì đó chính là bản tính vĩnh cửu của Người. Xin cho đời sống con, và cả nhân loại nữa, không ngừng trở nên ‘năm hồng ân’ bất tận của lòng Chúa xót thương. Cũng xin cho phép con được san sẻ niềm vui cứu rỗi này cho nhiều người khác nữa còn chưa nhận biết lòng thương xót vô biên Chúa. Amen


    Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:52 am




    SỐNG CHO NGƯỜI NGHÈO
    Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


    Mẹ Têrêsa Calcuta đã trở nên mẹ của người nghèo, mẹ của những con người cùng khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Với cuộc đời luôn sống với người nghèo, cho người nghèo, mẹ càng trở nên cao trọng giữa muôn người trong thế kỷ thứ 20. Mẹ đã được cả thế giới gọi mẹ bằng một tên gọi đầy kính trọng Mẹ Têrêsa Calcutta. Và có lẽ chẳng mấy ai còn nhớ đến tên gọi của mẹ do hai cụ thân sinh đã đặt từ ấu thơ Agnes Gonxha Bojaxhiu.



    Trong thánh lễ phong chân phước cho Mẹ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao mẹ như là một chứng nhân phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Ngài nói: “Mẹ Têrêsa không những đã chọn chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa như một người mẹ của những người nghèo. Người nghiêng mình xuống trên những người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ”. Mẹ đã dấn thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị sang hèn, giai cấp .. . Chính Mẹ đã từng nói: “Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa”. Mẹ còn muốn cho công việc của Mẹ được nhân rộng thêm lên, Mẹ đã thành lập hội dòng Thừa sai bác ái với ước nguyện: “Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Người đối với người nghèo”.



    Lời Chúa hôm nay có thể nói là tin vui cho những người nghèo khổ, những người bất hạnh và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã chọn người nghèo để dấn thân, để phục vụ. Không phải là Chúa Giêsu khinh bỉ người giầu, người quyền thế mà có thể nói Ngài đến để giúp cho những con người thấp hèn kia được nâng cao, được tôn trọng như những con người giầu có, quyền quý. Chính Ngài đã chọn sinh ra trong thân phận một người nghèo. Chính Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó. Nghèo khó đến nối “không có nơi gối đầu”. Mỗi bước chân của Ngài đều hướng đến những người khổ đau. Mỗi ánh mắt của Ngài đều hướng về những con người bất hạnh. Mỗi cái nhìn của Ngài đều chạnh lòng thương những ai đang đau khổ bơ vơ vì bị bỏ rơi, vì thiếu thốn tư bề. Ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ vụ của Đấng Messia mà các tiên tri đã loan báo. “Khi Người đến mắt người mù sẽ được nhìn thấy. Tai người điếc sẽ được nghe. Người câm nói được và người què nhảy nhót như nai”. Tất cả những điều đó hôm nay đã ứng nghiệm trong con người Đức Giêsu miền Nagiaret. Thiên Chúa đã nhập thể làm người để nâng con người nên làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở lại luôn mãi với nhân trần. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người để yêu thương và ban phát ơn lành. Đấng Thiên Sai đã chọn người nghèo, người cùng khổ để dấn thân phục vụ. Đấng Thiên Sai đã sống một kiếp người trong nghèo khó, thiếu thôn tư bề để cảm thông với những lắng lo của kiếp người truân chuyên.



    Đó cũng là sứ điệp mà Lời Chúa muốn nhắn nhủ con người hôm nay. Giữa một xã hội quá chênh lệch giầu nghèo, địa vị. Giữa một xã hội quá phân biệt giai cấp và địa vị. Mức sống của từng giai cấp, địa vị đều khác nhau. Có những người ăn tiêu một bữa ăn bằng tiền lương cả một tháng lao động vất vả của một công nhân quèn. Ở Việt Nam hôm nay có những trường học phổ thông dành cho con nhà giầu, mỗi tháng thu lệ phí mỗi em cả hàng chục triệu đồng, trong khi đó nhiều gia đình phải chật vật để kiếm vài trăm ngàn cho con có cơ hội đến trường, đến lớp. Có những người ốm đau bệnh tật kéo dài cả cuộc đời vì không có tiền trang trải cho viện phí nên đành chấp nhận đau đớn mỗi khi trái gió trở trời, đang khi đó có biết bao người giầu có dư tiền dư của đến nỗi bỏ ra hàng triệu đồng để lột da cho tươi trẻ, và còn khoét thêm má lúm đồng tiền để thêm phần duyên dáng thanh cao. Có những người cơm không đủ no, áo không đủ mặc đang khi đó có biết bao người áo chỉ mặc một lần và đồ ăn thức uống vất ngổn ngang quanh nhà.



    Giữa một xã hội quá nhiều những thị phi như thế, Chúa đang cần chúng ta hãy tiếp tục công việc của Chúa. Hãy là những chứng nhân cho công việc phục vụ anh em. Hãy đem tình yêu Chúa trải rộng khắp mọi nẻo đường chúng ta đi. Hãy biết chạnh lòng thương với những ai đang khốn khổ lầm than. Hãy biết chia sẻ cơm bánh cho những anh em nghèo đói. Hãy cúi mình phục vụ những ai không có gì để đền đáp lại chúng ta.



    Ước gì với tinh thần sống đời kytô giáo yêu thương và phục vụ sẽ là dấu chỉ thật đẹp của người môn đệ Chúa Kytô giữa thế giới hôm nay. Amen


    Lm.Jos Tạ Duy Tuyền



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:52 am




    TIẾP NỐI SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU
    Lm. Inhaxiô Trần Ngà


    Sau khi nghe giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Đấng đầy lòng thương xót, một tín hữu không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như:

    Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Chúa nhắm mắt làm ngơ trước biết bao nhiêu người đau khổ, tuyệt vọng mà không ban cho họ chút ủi an hay một niềm hy vọng?

    Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù, trong sự trói buộc của các đam mê mà không được giải thoát?

    Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Người để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý.

    Và bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm, tại sao không được Chúa giải thoát?



    Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi như thế lởn vởn trong đầu, ông ta chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của màn đêm:

    - Ta đã ra tay rồi đó, sao con còn trách Ta?

    - Chúa ra tay lúc nào đâu? Chúa đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?

    Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta mà hành động. Thế sao còn trách Ta?



    Có một điều quan trọng nhưng thường bị lãng quên, đó là chúng ta là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Thiên Chúa hành động, thực hiện mọi việc qua chúng ta. Thiên Chúa có làm gia tăng số người trên mặt đất thì Người cũng thực hiện việc đó qua trung gian một người cha và một người mẹ trong gia đình. Thiên Chúa muốn nuôi dạy cho thế hệ trẻ nên tốt thì Người cũng thực hiện điều đó qua cha mẹ thầy cô.



    Xưa kia Thiên Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đem Tin Mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù tối, trả tự do cho người bị áp bức… thế nào, thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng sai chúng ta nối gót Người thực hiện những công việc đó. Chúa Giêsu vẫn đêm ngày nhắc nhở chúng ta: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Gioan 20, 21)



    Thế là chúng ta phải lựa chọn: Hoặc là chấp nhận ở lại trong nhiệm thể Chúa Giêsu, trở thành cánh tay nối dài của Chúa Giêsu để tiếp tục sứ mạng của Người, hoặc là chúng ta tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa Giêsu để khỏi bị Người sử dụng như một phần thân thể của Người mà phục vụ tha nhân.



    Cuối mỗi năm, tờ Times, một tạp chí thời danh của Hoa Kỳ, có bình chọn một nhân vật có ảnh hưởng rộng lớn nhất thế giới trong năm. Thông thường, các nhân vật làm nên lịch sử, các bậc vĩ nhân, các vị tổng thống có nhiều quyền lực và ảnh hưởng lớn nhất được bầu chọn vào danh sách nầy. Tuy nhiên, đặc biệt là cuối năm 2006, người được bầu chọn làm nhân vật nổi trội của năm là… “BẠN”. Vâng, là bạn, là tôi, là mỗi người chúng ta.



    Thật vậy, đây không phải chuyện đùa. Mỗi người trong chúng ta làm nên lịch sử. Thế giới nầy có được đổi mới, có được tiến bộ hay không cũng là nhờ sự cộng tác của từng người, của mỗi một người trong cộng đồng nhân loại.

    Đừng nghĩ rằng mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ vô ích, vì những bãi cát mênh mông cần phải được tạo nên bằng những hạt cát bé nhỏ như thế đó.

    Đừng nghĩ rằng mình chỉ là một giọt nước li ti không nghĩa lý gì, vì cả đại dương bao la cũng phải được tạo nên bằng những giọt nước li ti như vậy đó.

    Xin đừng quên mỗi người chúng ta là chi thể của Chúa, là khí cụ cứu rỗi của Người và hãy để Chúa sử dụng chúng ta như khí cụ xây dựng hoà bình, yêu thương của Chúa.



    Lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Chúa Giêsu hôm xưa cũng là lời nhắn gửi đến mỗi người chúng ta: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức." (Lc 4, 18-19)

    Là chi thể của Chúa Giê-su, chúng ta hãy hiệp thông với Người để thực hiện từng câu từng chữ của lời sấm nầy như Người đã làm, để mai đây, chúng ta có thể nói với mọi người như Chúa Giêsu: "Hôm nay, đã ứng nghiệm nơi tôi đoạn sách mà quý vị vừa nghe".


    Lm. Inhaxiô Trần Ngà



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:53 am





    ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
    Lm. John Nguyễn

    "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi " (Tv. 119)
    Vào ngày 21 tháng 01 năm 2013, Tổng thống Obama đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Nghi lễ diễn ra rất long trọng và trang nghiêm, nhưng điều gây sự chú ý mạnh mẽ đến hàng triệu người theo dõi trong nghi lễ, đó là giây phút Tổng thống Obama đặt tay trên cuốn Kinh Thánh để nói lên lời thề hứa của ông trước dân chúng, họ đã chứng kiến lời tuyên hứa của ông ta. Lời tuyên thệ đó được Tổng thống Mỹ phải đọc đúng từng chữ như sau: "Tôi long trọng thề rằng sẽ trung thành thực hiện chức vụ tổng thống Mỹ và sẽ dốc hết khả năng để giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp Mỹ" (I do solemnly swear that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States). Hành động đặt tay trong lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đã nói lên ý nghĩa một chân lý, một hiến pháp phải được đặt trên nền tảng từ Thánh Kinh, vì Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa.



    Đó cũng là lý do tại sao trong bài đọc I, thầy tư tế Esdras mang sách luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen - Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Đó cũng lý do tại sao trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về quê hương và đọc Thánh Kinh trong hội đường Nazareth. Ngài công bố năm hồng ân. Đó cũng lý do tại sao chúng ta phải đọc và nghe Thánh Kinh mỗi lần chúng ta đến nhà thờ để tham dự phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể. Và đó là lý do tại sao chúng ta nên đọc Kinh Thánh trong gia đình mỗi ngày vì Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa và là lương thực thiêng liêng làm bổ dưỡng cho tâm hồn của chúng ta mỗi ngày.



    Vatican II nói với chúng ta rằng, Giáo Hội luôn luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính thân thể của Thiên Chúa (Dei Verbum § 11). Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (§ 103) lặp đi lặp lại cùng một điểm. Và chúng ta có tôn kính sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh? Làm thế nào để chúng ta nghe được Lời Chúa? Chúng ta có cơ hội để nghe Lời Chúa mỗi khi chúng tôi tham dự thánh lễ. Sau đó, về nhà chúng ta cố gắng nhớ một số ý tưởng từ các bài đọc Kinh Thánh hay giải thích trong bài giảng để khơi lại trong tâm trí của chúng ta. Hãy tự hỏi, "Chúa nói với tôi điều gì?".



    Giáo Hội dạy rằng, khi Thánh Kinh được công bố trong phụng vụ là chính Chúa Kitô đang nói (Sacrosanctum Concilium § 7). Chúa Kitô nói chuyện thông qua người đọc. Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu đang sử dụng giọng nói của con người để nói chuyện với tất cả chúng ta. Tất cả những điều Giáo hội dạy là nhằm nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của chúng ta.



    Hàng ngày, chúng ta dành nhiều thời gian để đọc báo, xem phim, tin tức thời sự là nhằm giúp chúng ta không chỉ có thêm kiến thức và hiểu biết mà còn là món ăn tinh thần giúp cho chúng ta yêu cuộc sống hơn. Tuy nhiên, với sự bùng nỗ về thông tin truyền thông, chúng ta cần phải cân nhắc và chọn lựa cẩn thận, vì có những thông tin xấu làm ảnh hưởng đến tư tưởng và đạo đức con người và xã hội. Trong thực tế, Lời Chúa thì thiếu vắng trong đời sống gia đình và mỗi cá nhân, cho nên nhân loại vẫn có một khoảng trống rất lớn về sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Người ta vẫn thường đặt câu hỏi: “Có Thiên Chúa không?” Tại sao con người phải đau khổ?. Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô ta như sau: “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xẩy ra một thảm họa khủng khiếp?”. Cô ta trả lời như sau: “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó”. Nhưng từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, ra khỏi chính phủ và ra khỏi đời sống của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể mong Thiên Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta khước từ Thiên Chúa? Về những biến cố mới xảy ra như là: tấn công, khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh v.v., tôi nghĩ rằng, mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc Kinh Thánh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý. Chính quyển Kinh Thánh dạy chúng ta: “Chớ giết người, chớ trộm cắp, nhưng hãy yêu thương tha nhân...”. Bây giờ, chúng ta lại tự hỏi: Tại sao chúng ta lại không có lương tâm, không phân biệt được thiện ác. Người ta có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình?. Khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta kết luận rằng: “Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy”. Cụ thể là cuộc thảm sát trường tiểu học Sandy Hook tiểu bang Connecticut vào ngày 14 tháng 12 năm 2012 vừa qua. Tên Adam Lanza, 20 tuổi, bắn và giết chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em, và sau đó hắn ta bắn chết mẹ mình và tự sát. Thật là đau buồn cho những gia đình có những con em bị chết một cách thảm thương và đau đớn như thế. Obama phải rơi lệ khi đọc lời chia buồn với gia đình nạn nhân. Thật kỳ lạ khi con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng, rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. Thật kỳ lạ khi chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh dạy. Thật kì lạ khi chúng ta lại lo sợ người đời nghĩ sao về mình hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta.



    Để kết thúc bài suy niệm Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng đọc lại lời của Thánh Gregory viết: "Kinh Thánh là một bức thư tình được Thiên Chúa sai đến với dân Ngài trong đó chúng ta có thể cảm nhận được trái tim của Thiên Chúa." Xin Chúa cho chúng ta biết dùng thời giờ để đọc và lắng nghe bức thư tình yêu của Thiên Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Và Thánh Giêrônimô nói: "Thiếu hiểu biết về Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.". Xin Chúa cho chúng ta biết dùng Lời Chúa trong Kinh Thánh để chữa bệnh tật thể xác và tâm linh của chúng ta, nhờ đó, giúp chúng ta đối phó với những vấn đề của cuộc sống. Lời Chúa không thể tìm thấy một câu trả lời cho mọi vấn đề, nhưng chắc chắn sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Vì vậy, Esdras đọc sách luật của Cựu Ước cho người Do Thái tại Giêrusalem, và Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh trong hội đường Nazareth. "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi "


    Lm. John Nguyễn, Utica, New York



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:54 am




    NGƯỜI PHÁ TAN XIỀNG XÍCH LẦM THAN
    AM. Trần Bình An

    Mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Ðến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, "Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào" (Ga 10, 10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng. (Ga 6, 53)

    Ai cũng biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Ðêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người. (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá)

    Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh sữ Luca giới thiệu sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đấng Cứu Thế. Đấng Messia mà Ngôn sứ Isaia đã loan báo hàng trăm năm trước.

    Đem Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn

    Người đến không đem Tin Mừng đến cho quý bậc vương giả, quý chánh khách, quý nhân sĩ học cao hiểu rộng, quý vị kiêu căng, hợm hĩnh tự phụ về tài năng, về chức tước, bổng lộc. Mà Người đến với những thân phận nghèo hèn, những kẻ cùng đinh, những thân phận bên lề xã hội, những người bé nhỏ, khiêm tốn, nhường nhịn, tự hạ, vị tha, chân thành ý thức bản thân như cát bụi với Đấng Tạo Hóa. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.”(Lc 4, 18)

    Đến thờ lạy Đấng Cứu Thế trong hang đá Bê Lem, những trẻ mục đồng chăn chiên khốn khó, với tâm hồn chân thành, trong sáng, những nhà chiêm tinh thiện tâm, nhiệt tình khao khát yết kiến Vua Vũ Trụ.

    Khởi sự đi rao giảng, Người cũng kêu gọi và chọn những tông đồ từ dân thuyền chài tầm thường, nghèo khó, đơn sơ, mộc mạc. Những người sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự thế gian, công việc, gia đình, để đi theo Chúa.

    Trong khi đó, bao nhiêu luật sĩ, kinh sư, tư tế và cư dân thành Giêrusalem đều nghe biết Đấng Messia được sinh hạ ở Bêlem, nhưng vẫn lạnh nhạt, hờ hững, làm ngơ, chẳng hề đoái hoài đón nhận Ngươì.

    Cũng như trào lưu xã hội hiện nay, đang đua nhau phủ nhận Chúa, đang xua đuổi Người ra khỏi mọi lãnh vực. Khi đua nhau vái lạy những con Bò Vàng tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, lạc thú, thay vì kính Chúa, yêu người, thì Tin Mừng đương nhiên trở nên điều xa xỉ, không cần thiết với họ.

    Do vậy, Tin Mừng chỉ có thể đến được với những tâm hồn khiêm cung, nhỏ bé, đói khát sự công chính, sự thật và chân lý. Chúa Giêsu vẫn khuyên nhủ mọi người, hãy trở nên trong sáng, hồn nhiên, đơn sơ như trẻ thơ, dễ dàng nhận được những hạt giống Tin Mừng, ươm chồi, nảy lộc, thành cây xanh tươi, sinh hoa thơm trái ngọt sau này.

    Đem tự do cho người tù và bị áp bức

    Chúa Giêsu đến thế gian không phải làm chiến sĩ anh hùng, giải thoát dân Israel khỏi ách đô hộ La Mã, không giải thoát những tù binh hay nô lệ. Nhưng giải thoát con người khỏi xiềng xích ma quỷ, khỏi quyền lực thế gian đen tối độc ác, khỏi cạm bẫy cám dỗ, khỏi đam mê xác thịt. Dẫn dắt con người đến bến bờ hy vọng cứu rỗi. “Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,…,trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18)

    Ngay nơi tù ngục,Tin Mừng vẫn đem lại ánh sáng tự do cho những ai đang quằn quại chịu nhục hình. Giải thoát tâm hồn họ khỏi ách tù đày, khỏi áp bức tra tấn, khỏi thù hận, nghi kỵ, bất mãn, như ĐHY Phanxicô Xaviê đã trải nghiệm “Dẫu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.“(Tv 23, 4)

    Nhất là Tin Mừng còn phá tan vòng kiềm tỏa của ma quỷ, giam hãm con người trong ngục thất tội lỗi u mê, tìm được lối thoát an toàn. Những tù nhân của đam mê vật chất, những con tin của cuộc sống trụy lạc, sớm thức tỉnh, sẽ được tự do trở về với Lòng Thương Xót vô bờ.

    Đem ánh sáng cho người mù

    “Người sai tôi đi công bố cho người mù biết họ được sáng mắt.” (Lc 4, 18)

    Người đem Tin Mừng đến dẫn dắt, soi sáng, hướng dẫn những ai mù lòa lạc đường trong tối tăm, trong bóng đêm vô thần. Những người đang bị chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng, khuynh đảo che mất tầm nhìn về tương lai. Nhất là chủ nghĩa duy tương đối và khuynh hướng tục hóa đang thách thức và đe dọa thô bạo đến niềm tin Kitô hữu. Vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi“ (Tv 119, 105). Trước cái bả danh lợi, sắc dục, của cải, con người dễ dàng mù quáng lao theo chước cám dỗ chiếm đoạt, không còn biết đến công bằng, chánh trực và đạo nghĩa. Trước những lời nói có cánh, khen ngợi, dụ dỗ, khích động, con người cũng dễ dàng gục ngã, a dua, tán đồng, hoặc bị phỉnh lừa. Đó là chính là lúc cần đến Lời Chúa đến soi sáng phân minh, đâu là thật giả, đâu là con đường chính đáng phải theo.

    Ban phúc Hồng ân

    Đấng Cứu Thế công bố năm hồng ân của Chúa, không chỉ là một năm duy nhất, mà kéo dài cho đến ngày chung thẩm. Nay thời thế mạt sắp đến gần, thế nhưng có bao nhiêu người chịu lắng tai nghe, tiếng kêu khần thiết trong hoang mạc của ông Gioan Tiền Hô, để kịp thời ăn năn sám hối?

    Nhiều người đang trở nên điếc đặc, hay mù lòa trong cái xã hội hỗn độn, phù phiếm, gian manh, lừa đảo, bóc lột, đàn áp, bất nhân, bất nghĩa. Trong đó, con người coi nhau như cừu địch, chỉ biết đua nhau bước lên đầu lên cổ người khác để tiến thân, để hưởng thụ. Nhưng Đấng Cứu Thế đã kịp thời đến xua tan bóng đêm hãi hùng, chiếu dọi ánh sáng Tin Mừng, hóa giải những mưu ma, chước quỷ, mời gọi mọi người quay trở về đường ngay, nẻo chính, về với quê hương Nước Trời.

    Lạy Chúa, xin hãy giải thoát con khỏi xiềng xích tội lỗi, xin mở mắt, mở tai con ra, để biết đón nhận Tin Mừng, áp dụng vào đời sống thường ngày.

    Lạy Mẹ Maria, xin cầu bầu cho con biết ăn năn sám hối, trở về cùng Chúa nhân lành, hầu con xứng đáng hưởng hồng ân cứu độ. Amen.
    AM Trần Bình An



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
NguyenVanNoi
HẠ VIỆN
HẠ VIỆN


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 62
Điểm NHIỆT TÌNH : 179
Ngày tham gia : 25/07/2012
Job/hobbies : Viết Bài Chia Sẻ Lời Chúa

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) EmptySat Jan 26, 2013 11:57 am




    LỘC THÁNH - ỨNG NGHIỆM HAY KHÔNG?
    Pio X Lê Hồng Bảo




    Năm hết Tết đến, một điều tôi thường hồi hộp đợi chờ là “hái” Lộc Thánh cho năm mới. Năm đầu tiên giáo xứ tổ chức “hái” Lộc Thánh, tôi bốc trúng câu: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì cũng sẽ bị hủy diệt như vậy” (Lc. 13, 5b).Tôi đoan chắc nhiều người cũng sẽ cho đầu năm mà bốc trúng câu này là… xui xẻo, vì vậy việc tôi giấu biệt và nói dối là “quên” bốc Lộc Thánh thì cũng chẳng lạ gì! Năm sau, rút kinh nghiệm, tôi và bà xã cùng bốc để… có cái mà đổi. Năm đó, tôi bốc trúng câu: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc.16, 31), còn câu của bà xã tôi là: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất nó, còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy và vì Phúc Âm, thì sẽ được sự sống đời đời” (Mc. 8, 35). Chẳng có câu nào “đúng ý” tôi, nhưng… đành chọn câu của bà xã cho… “dễ nghe”! Năm sau nữa, tôi huy động thêm mấy đứa con để được… thoải mái lựa chọn. Tôi nghĩ cũng có nhiều người giống tôi vì Cha sở đã phải lên tiếng kêu gọi mỗi gia đình chỉ nên chọn một người đại diện bốc một câu. Cha đã tổng kết trong giáo xứ có khoảng 600 gia đình, Cha đã đặt mua 1000 Lộc Thánh mà vẫn thiếu! Những năm sau này, mỗi gia đình chỉ được bốc một Lộc Thánh, tôi thường phải “giấu” đi vì nghe sao… nặng nề quá!



    Lại nhớ gã hàng xóm “nước sông gạo chợ” của tôi, năm ấy có đứa con gái đầu học lớp 12, tôi thường nghe vợ chồng gã khuyên con tốt nghiệp xong đi học nghề may hoặc cắt tóc, nhưng con bé cứ nài cha mẹ cho đi thi Đại Học. Nếu rớt thì nó cũng cam chịu đi học nghề, nhưng “rủi” nó… đậu? Năm đó, tôi sang chúc Tết, hắn vội vàng khoe tôi câu Lộc Thánh: “Hãy ký thác đường đời cho CHÚA, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv. 37, 5). Bản mặt hắn cứ tươi hơn hớn như vừa trúng số độc đắc: “Em được câu Lộc này nên vợ chồng quyết định cho con bé nhà em thi Đại Học rồi. Mình cứ mãi tin vào mình thì làm sao Chúa ‘ra tay’ hả anh?” Mấy năm sau đó, hắn vẫn “nước sông gạo chợ”, nhà cửa tuềnh toàng không sắm nổi bộ salon, nhưng con hắn vẫn tì tì học tới, tốt nghiệp Đại Học loại giỏi, được một công ty có tiếng nhận vào làm và bảo bọc các em vào thành phố học để đỡ đần cho cha mẹ…

    Lời Chúa không ứng nghiệm hay ý tôi không linh nghiệm?

    Thì ra bấy lâu nay tôi chỉ mong chờ Chúa nói “lời của tôi” chứ tôi không nói “Lời của Chúa” như gã hàng xóm đã làm.



    Lời Chúa trao cho tôi sứ mạng chứ không phải phần thưởng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc.4, 18-19). Qua sứ mệnh đó, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ ngôn sứ của Chúa, nói Lời của Chúa, vì có “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi” và có Chúa đồng hành với tôi. “Tôi luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ” (Tv.16, 8). Nhờ Thần Khí Chúa, tôi được liên kết với Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô và “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Êp. 4, 4). Như vậy, ước muốn của Chúa chính là mong ước của tôi, hy vọng của Chúa cũng sẽ là hy vọng của tôi. Tôi không còn phập phồng về câu Lộc Thánh năm nay “lành” hay “dữ”, chính vì: Lời Chúa đã ứng nghiệm và luôn luôn ứng nghiệm.



    Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết từ bỏ ý riêng, chỉ lo mưu cầu những điều hoàn hảo cho bản thân mà quên đi sứ mạng “ngôn sứ” Chúa đã đặt để trong mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng tôn vinh và giảng rao Lời Chúa cho dù có bị tổn thương, bởi vì chỉ có Lời Chúa mới là Lời Hằng Sống luôn ứng nghiệm trong mọi thời và khắp mọi nơi. Amen.




    Pio X Lê Hồng Bảo



    NguyenVanNoi




Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Vide
Bài gửiTiêu đề: Re: Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)   Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21) Empty







    Sponsored content




Về Đầu Trang Go down
 

Tin Mừng Lc (1, 1-4. 4, 14-21)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: 
SỐNG LỜI CHÚA
 :: SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

>
-
free counters