Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ   Sudieptutroi

 

 VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
cafe phuonglam
Cấp bậc
Cấp bậc


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 154
Điểm NHIỆT TÌNH : 486
Ngày tham gia : 20/01/2011
Job/hobbies : cải mộ

VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ   Vide
Bài gửiTiêu đề: VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ    VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ   EmptySun Mar 27, 2011 3:38 pm




    VINH DANH PHÊRÔ TRƯƠNG-VĨNH-KÝ
    (1837-1898)
    MỘT NHÀ VĂN-HOÁ LỚN, MỘT NHÀ BÁC-NGỮ-HỌC LỖI-LẠC
    (*)
    GS Đỗ Quang-Vinh

      (bài viết này cafe phuonglam sưu tầm trên mạng, vì bài viết tương đối dài nên chưa có thời gian kiểm tra kỹ về nội dung, xin bạn đọc kiểm tra giùm về tính khách quan trong bài viết. cảm ơn nhiều !)
      VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ   Truong-Vinh-Ky

      DẪN NHẬP
      1- Nhâm-nhi ba múi sầu riêng bên chén trà quạo là điều thú-vị nhất của các bô lão miền Nam. Những trái sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, ngọt lịm thơm mát là những đặc-sản của miền Nam, không ai chối cãi. Nhưng người dân miền này ngày nay không biết chúng đã xuất-phát từ đâu, ngoại trừ một ít bô lão. Các vị này cho biết đó là do Trương Vĩnh-Ký mà chúng tôi së nói đến sau (1). Cũng dễ hiểu, bởi lẽ cái công to tát hơn của ông đã gắn liền với nền văn-học chữ quốc-ngữ rồi.

      2- Chữ quốc-ngữ hiện sử-dụng vốn là do các giáo-sĩ thừa-sai người Bồ-Đào-Nha khi họ mới tới Việt-Nam vào cuối thế-kỷ 16. Họ áp-dụng mẫu-tự và ký-hiệu ghi thanh của La, Hy-ngữ cùng ngữ-âm Bồ và cách phát âm của tiếng La-tinh, Bồ-Đào-Nha để phiên-âm tiếng nói Việt-Nam. “Những bản dịch các bản văn Ki-Tô-giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, mà phần thiết-yếu do công của Francisco de Pena, linh-mục Dòng Tên người Bồ-Đào-Nha, ông đã tốt-nghiệp ở trường Macao, bấy giờ nhà văn-phạm nổi tiếng về tiếng Nhật là Jaão Rodrigues “Tòuzzu” cũng hiện-diện tại đây từ năm 1610. Trong công việc của mình, linh-mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu-hiệu của một văn-nhân Việt-Nam trẻ tuổi uyên-bác về Hán-văn và có tên rửa tội là Phê-rô. Lúc đầu, chữ viết này là một phương-tiện nhằm mục-đích dạy các nhà truyền giáo, cho họ có một bước trung-gian thuận-lợi để tiếp-cận với lối nói của người Việt, giúp họ trao đổi về mặt học hỏi và giao-tiếp bằng chữ viết với những người Việt lãnh-đạo chính-yếu trong cộng-đoàn” (2 & 2 bis)). Dần-dà, từ đó là phương-tiện lợi-ích cho việc giảng đạo, chữ viết này về sau mỗi ngày mổt cải-tiến. Khi quân Pháp vào chiếm Việt-Nam hồi đầu nửa thế-kỷ 19, song song với tiếng Pháp, chữ viết này càng ngày càng được áp-dụng triệt-để khi người ta nhận ra được hiệu-năng thiết-thực của nó, rồi trở thành chữ viết chính-thức của quốc-gia, vì vậy gọi là chữ “quốc-ngữ”.

      * Cho tới thời Petrus Ký, chữ viết này vẫn chưa thực sự được phổ-quát. Cho nên, ngoại trừ một số ít những người theo đạo Gia-tô đã quen với chữ viết này, những người Nam-kỳ là nhóm người đầu tiên sử-dụng chữ quốc-ngữ.

      * Năm 1942, Vũ-ngọc-Phan, một nhà phê-bình văn-học có uy-tín đã nhận-định như sau về sự hình-thành nền văn-học quốc-ngữ:

      “Chữ quốc-ngữ có được mẫu-mực và được lan rộng ở Nam-Kỳ sớm hơn cả là nhờ mấy học-giả đã thâu-thái được học-thuật Âu-Tây trong hồi người Pháp mới đến nước Nam. Trong số những nhà học-giả Việt-Nam theo Tây-học ấy, người ta phải kể đến hai người có tiếng nhất là Trương-vĩnh-Ký và Huỳnh-tịnh-Của (tức Paulus Của). Hai ông đã dùng chữ quốc-ngữ để truyền-bá học-thuật và tư-tưởng Âu-Tây và soạn từ-điển Việt-Pháp để người Nam có thể dùng mà học tiếng Pháp. Bộ Việt-Pháp từ-điển của Paulus Của là một bộ từ-điển mà gần đây cả người Bắc lẫn người Nam vẫn còn dùng.

      “Còn Trương-vĩnh-Ký thì thật là một nhà bác-học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch-thuật, mà lại còn là một người rất giỏi về khoa ngôn-ngữ. Ông thật xứng-đáng làm tiêu-biểu cho tất cả những người sốt-sắng với quốc-văn lúc đầu ở Nam-kỳ; sự-nghiệp của ông, chúng ta không thể nào không biết đến được.” (3)

      3- Trước năm 1975, du-khách tới Sài-gòn hẳn đều có dịp chiêm-ngưỡng hai tượng-đài Petrus Trương Vĩnh-Ký: một ở công-viên trước Dinh Độc-Lập, phủ Tổng-Thống cũ, do đồng-bào quyên góp dựng nên năm 1914, một ở trong khuôn-viên ngôi trường lớn mang tên ông, Trường Trung-Học Petrus Trương Vĩnh-Ký, do Sở Học-Chánh thời G. Taboulet, sử-gia, đặt và khánh-thành vào tháng 9 năm 1928 (1). Tiếc thay, ngay sau khi vừa xảy ra biến-cố chính-trị năm 1975, mọi di-tích của nhà học-giả có công này đã bị triệt-hạ. Chúng tôi xin được giới-thiệu cuộc đời của ông và nhận-định về những đóng góp đáng vinh-tôn của ông đối với nền văn-học quốc-ngữ Việt-Nam.

      A- TÓM LƯỢC CUỘC ĐỜI PETRUS TRƯƠNG VĨNH-KÝ (4)

      I- THỜI Đi HỌC


      1- Trương-Vïnh-Ký, quen gọi là Petrus Ký, sinh ngày 6-12-1837 tại làng Cái-Mơn, huyện Tân-minh, tỉnh Vĩnh-Long, miền Tây Nam-Việt.

      2- Mồ-côi cha từ năm lên 8, ở với mẹ, được cho học chữ Hán. Cha là Trương Chánh-Thi, lãnh-binh đồn trú tại Nam-Vang, Cam-Bốt, sau mất tại đây.

      3- Năm lên 9, ông được một giáo-sĩ Tây-phương, thường gọi là cố Tám, xin đem về nuôi cho ăn học. Ông theo học quốc-ngữ và La-tinh với các giáo-sĩ ngoại-quốc, quen gọi là cố Hoà và cố Long.

      4- Năm lên 11, ông học trường công-giáo Pinhalu bên Cam-bốt.

      5- Tới năm 15, ông theo học sáu năm trời trong chủng-viện Pinang ở Mã-lai, tại đây ông tỏ ra có trí thông-minh thiên-bẩm lỗi-lạc, được lãnh phần thưởng của nhà cầm quyền Anh về môn luận-văn bằng tiếng La-tinh. Nhờ tự-học, ông thông-thạo nhiều ngôn-ngữ khác như: Hy-Lạp, Pháp, Anh, Nhật, Tây-Ban-Nha, Ấn-Độ..v..v…

      6- Năm 21 tuổi (1858), ông trở về quê hương giữa lúc Pháp đem quân vào chiếm Việt-Nam, bắt đầu từ Đà-Nẵng (1-9-1858), rồi Sài-gòn (17-02-1859), đến Gia-Định, tiếp theo là việc mất ba tỉnh miền Đông Nam-Kỳ.

      Kết-thúc giai-đoạn thiếu-thời của ông ở đây, chúng tôi xin được nhắc đến một công ơn to-tát ông để lại cho nhà nông và nhà vườn miền Nam, mà sinh-thời, chính ông không ngờ đến. “Trong sáu năm học tại Penang, mỗi lần bãi trường, đáp thuyền vê quê hương thăm gia-đình, ông không quên mang quà ngon quả lồ tỉ “Miền Dưới” về để biếu mẹ già và bà con lối xóm, những trái cây này ở quê nhà không có, đó là sầu riêng, chôm-chôm tróc, măng-cụt tróc, bòn-bon. “Miền Dưới” là địa-danh do dân-chúng miền Nam đặt, để ám-chỉ chung các xứ ở phía dưới Nam-kỳ lục tỉnh như: Mã-Lai, Nam-Dương, Java. Trồng lúa chỉ chỉ cần sáu tháng, trong khi trồng cây ăn trái mất tám năm mới có trái ăn gọi là trái “chiến”. Lại thêm vì chiến-cuộc, nên sự phát-triển những loại trái cây này rất chậm, chỉ giới-hạn trong vùng Cái-Mơn và làng xã lân-cận. Càng về lâu, càng không ai để ý đến nguồn gốc các lọai cây đặc-biệt của “Miền Dưới” do Trương Vĩnh-Ký mà có, ngoại trừ một ít bô lão tại địa-phương truyền miệng nhau. Mãi vào đầu thế-kỷ 20, mức sống cao buộc nông-dân phải tìm cách tăng-gia canh-tác trồng cây ăn trái, trước tiên là Cái-Mơn, rồi quận Chợ Lách, sau đến toàn tỉnh Kiến-Hoà. Trái cây ngon, lợi-tức thu-hoạch đáng kể trong khi công sức làm vườn bỏ ra ít hơn công sức làm ruộng, từ đó khắp nơi đua nhau phát-triển vườn cây ăn trái. Có nhà nông giảm diện-tích làm ruộng và trở thành nhà vườn hay chủ vườn. Rồi họ sáng-kiến ương hạt giống, chiết cành, tháp cây cho cây sống dai và hạ thấp thời-gian sinh trái xuống còn 5 năm. Vì thế các loại trái cây này lan tràn rất nhanh khắp Nam-Kỳ lục tỉnh. Có thể nói, đối với nhà nông, và nhất là nhà vườn Nam-kỳ lục tỉnh, Trương Vĩnh-Ký có một công ơn to-tát mà không được ai biết đến để nhắc-nhở” (1).

      II-THỜI LÀM VIỆC:


      1) Năm 23 tuổi, 1860, Pháp cần một thông ngôn người Việt cho các cuộc thương thuyết giữa hai chính-phủ, Giám- mục Sài Gòn Lefèbvre tiến-cử ông vào chức vụ này.

      2) Năm 26 tuổi, 1863, ông được chỉ-định làm thông- dịch viên cho phái-đoàn Phan Thanh-Giản sang Pháp cầu hòa, được dịp chu du khắp nước Pháp và một số nước Âu- Châu như Ý, Tây-Ban-Nha, ... và quen biết một số các nhà trí-thức tên tuổi của Pháp như: Victor Hugo, Paul Bert, Ernest Renan, Émile Littré ...v.v…

      3) Trở về Sài Gòn, ông làm giáo-sư rồi làm hiệu-trưởng Trường Thông Ngôn trong những năm 1866 - 1868.

      4) Tới năm 32 tuổi, 1869, ông được bổ làm Giám-Đốc tờ Gia-Định Báo, tờ báo quốc-ngữ đầu tiên mà ông đã từng cộng-tác từ bốn năm truớc đó.

      5) Năm 1873 lúc ông 36 tuổi, ông được bổ làm giáo-sư dạy môn ngôn-ngữ Đông-phương tại Trường Hậu-Bổ.

      6) Năm 1874, do Renan và Littré đề cử, ông được nhận làm hội-viên Hội Á-Châu Paris. Giới học-thuật Âu-Châu liệt ông vào số 18 nhà bác-học trên học thế-giới “toàn cầu bác học thập bát quân tử” (5)

      7) Năm 39 tuổi (1876), ông nhận sứ-mạng 3 tháng ra Bắc điều-nghiên tình-hình chính-trị tại đây. Những bài du-ký ông viết trong thời-gian này sau được sưu-tập thành sách xuất-bản năm 1881.

      8) Trở về, ông được cử làm hội-viên Hội-Đồng Thành Phố Sài-Gòn, Hội-Đồng Học-Chánh Thuộc-Địa, tiếp-tục trước-tác trở lại.

      9) Năm 46 tuổi, 1883, ông được Hàn-Lâm Viện Pháp trao tặng huy-chương Hàn-Lâm Viện đệ nhị đẳng bội-tinh, được bổ “Officier d'Académie“ (1883). Sự tưởng-thưởng này đã nâng ông lên ngang hàng với các học-giả Âu-Châu. (6)

      10) Tháng 4-1886, do đề-nghị của toàn-quyền Paul Bert, một nhà sinh-vật học và đồng thời là hội-viên Hàn-Lâm Viện Pháp vốn quen biết ông, triều-đình Huế biệt-phái ông sang Cơ-Mật Viện trong vai trò quan-sát-viên làm trung-gian thuận-lợi cho cuộc bang-giao giữa Pháp và Việt Nam.

      Ông được chỉ-định dạy Pháp-văn cho vua Đồng-Khánh, được phong Hàn-Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ.

      11) Tháng 6-1886, ông cáo bệnh, về nghỉ hưu tại Chợ Quán (Sài Gòn). Vua Đồng-Khánh làm thơ tặng ông tỏ lòng tưởng luyến, ban cho ông danh-hiệu Nam Trung Ẩn Sĩ. Tại đây ông dành trọn cuộc đời còn lại cho công việc biên soạn trước-tác, và mất ngày 1-9-1898. (7)

      B.- PETRUS KÝ, ĐÁNG ĐƯỢC HẬU-THẾ VINH DANH

      Petrus Ký đã có những đóng góp lớn-lao cho nền văn-học quốc-ngữ và văn-hoá của xứ sở. Chúng ta vinh-tôn ông là để lưu-truyền cho những thế-hệ Việt mai sau cũng như để giới-thiệu với thế-giới một tên tuổi lớn của nền văn-hoá Việt-Nam. Petrus Ký thể-hiện ở ông ba con người: một Kẻ Sĩ ngay thẳng có tư-cách, một nhà bác-ngữ-học lỗi-lạc, một nhà văn-hoá tiên-phong trong việc phổ-cập và hình-thành nền văn-học quốc-ngữ.

      I- PETRUS KÝ, MỘT KẺ SĨ CÓ TƯ-CÁCH

      Về điểm này, trước đây có những ý-kiến gay-gắt cho rằng ông là người chịu nhiều ảnh-hưởng của đạo Gia-Tô, hoặc ông từng giúp việc cho thực-dân Pháp là kẻ thống-trị, nên ông không có công gì đối với đất nước. Vậy tưởng cũng cần phải giải-thích cho vấn-đề được thêm sáng tỏ.

      1.1- Bác bỏ ý-kiến chống đối vì lý-do tôn-giáo:

      Quan-niệm này cho rằng đạo Công-Giáo du-nhập vào Việt- Nam là một công-cụ của thực-dân Pháp, “trách cứ rằng Kitô giáo đã được nhập-cảng đến trong mớ hành-lý của giới thực- dân người Pháp hẳn Alexandre de Rhodes là kẻ mở đường.” (chú số 2 & 2 bis), vì vậy những người theo đạo này là phản bội tổ-quốc. Đây là một nhận-định sai lầm và bảo-thủ. Sai lầm vì thực ra, đạo này đã từng ghi dấu ấn không những trong thế-kỷ 16 mà còn trước đó xa hơn nữa trong lịch-sử, đạo này đã có mặt ở miền Bắc nước Đại-Việt trước cả khi người Pháp vào Việt-Nam (8). Bảo-thủ vì đó là thiên-kiến. Thật vậy:

      a) Lẽ thứ nhất, chắc hẳn chẳng ai là không đồng-ý rằng không nên đồng-hóa tôn-giáo với tín-đồ. Miệng thế vẫn thường nói: Tin Đạo chứ không tin người có Đạo là vậy. Không thể vì ghét Đạo mà ghét luôn cả người theo Đạo hay ngược lại.

      b) Lẽ thứ hai, cho dầu có những thừa-sai người Pháp thuở ban đầu quả đã có lợi-dụng chính-trị để bành-trướng đạo giáo của họ trong xứ sở này, người ta cũng không nên theo vết chân kỳ-thị tôn-giáo để võ-đoán nhìn bất cứ người Công- giáo nào, dù là người ngay thẳng và tài-năng như Petrus Ký, cũng đều là kẻ có tội với đất nước.

      c) Lẽ thứ ba, nếu vấn-đề được đặt ngược lại là: giả như ông Petrus Ký không phải là tín-đồ Gia-Tô Giáo thì câu trả lời sẽ ra sao? Chắc hẳn ông sẽ được vinh-danh và tưởng- niệm. Hiển-nhiên đánh giá như vậy là điều bất công.

      d) Lẽ thứ tư, cách nhìn trên đây không còn thích-hợp với tư-tưởng hiện-đại nữa. Theo chủ-thuyết “định chức” (functionnalism) trong đường lối giáo-dục cấp-tiến hiện phổ- cập khắp vùng Bắc Mỹ người ta tập cho học trò không được căn-cứ vào gia-cảnh, chủng-tộc, phái-tính hay tôn-giáo để đánh giá những thành-tựu tài-năng công-lao của mình và của người khác. (9)

      e) Lẽ thứ năm, có thể nói rằng thiên-kiến trên đây còn “bảo hoàng hơn cả vua”. Thời xưa dẫu có cấm đạo, song không vì thế mà có đối xử kỳ-thị cá-nhân. Trường-hợp của giáo-sĩ Trần-Lục là một chứng-minh. Ông là linh-mục người Việt duy-nhất được triều-đình bổ-nhiệm làm Khâm-sai Bắc- Kỳ, dù truớc kia ông đã từng bị bắt bị hành hạ, bị bỏ tù bị đầy lên Lạng-Sơn, kết-quả của chính-sách bắt đạo. Việc xảy ra cho phong-trào bài đạo lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc và khi giặc nổi lên ở Thanh-Hóa ngày 3-12-1886. Triều-đình tưởng-thưởng ông vì đã đánh giá khách-quan, cứu xét tài-cán và công-trạng của ông trước đó đã có lần giúp quan tỉnh này tập hợp các giáo-dân trong vùng đứng lên giữ thành, chống giặc Lê Văn-Phụng (10).

      1.2- Bác bỏ ý kiến chống đối vì lý do chính trị:

      Nếu quả đúng là không nên tôn-vinh Petrus Ký, hẳn không thể bảo rằng ông là người “có đạo“ như đã biện-chứng, trừ phi ông đích thực là tên tay sai hèn-hạ của thực-dân Pháp. Nhưng có thực đúng thế chăng? Xin thưa rằng: Không! Ông làm việc cho cả Nam triều và chính-phủ bảo-hộ. Ông quả có được nhà nước bảo-hộ ưu-đãi, nhưng ông không nông-nổi và quá-khích như bọn người a-dua xu-nịnh mà đại-diện là những Tôn Thọ-Tường thời ông và những Nguyễn Văn-Vĩnh sau này.
      Họ đã không tiếc lời đả-kích, mạt-sát, và trân-tráo hăm dọa, răn đe tất cả những ai chống đối thực-dân, thậm chí gọi các người yêu nước là “bọn sài-lang, giặc cướp hay ăn mày”, v.v..(11) Petrus Ký thì trái lại, ông chỉ coi mình như một người cộng-tác, không phải là một thứ đầy tờ dễ bảo. Thật thế:

      a- Lẽ thứ nhất, ông ra làm việc cho tân-trào với thái-độ của một bậc thức-giả ưu thời hiểu rõ hoàn-cảnh quốc-gia, thái-độ của một nhà uyên-bác, qua những chuyến Tây du, đã nhận ra được những khác biệt rõ ràng lớn-lao giữa hai nền văn-minh Âu, Việt. Trước 1975, hai câu đối sau đây của cố giáo-sư Ưng-Thiều, khắc ở cổng trường Trung-Học Petrus Trương Vĩnh-Ký tại Sài Gòn, là để ghi nhớ chủ-trương thức thời của ông, quan-niệm cần phải dung-hợp hai nền văn-hóa Đông, Tây: vừa dung-nạp kiến-thức học-thuật Tây-phương mà đồng thời vẫn duy-trì bảo-tồn nền luân-lý đạo-học Á-Đông:

      “Khổng-Mạnh cương-thường tu khắc cốt,

      Âu-Tây khoa học yếu minh tâm“

      b- Lẽ thứ hai, ông ra làm việc cho tân-trào với thái-độ của một nhà trí-thức ôn-hòa, ngay thẳng, muốn bắt nhịp cầu kết nối những dị-biệt văn-hóa chính-trị của hai dân-tộc, tìm kiếm mối giao-hảo giữa hai nước, tái-lập nền an-ninh quốc- gia, mưu cầu hòa-bình thịnh-vượng cho xứ sở.

      Nhờ chuyến đi điều-nghiên tình-hình Bắc Kỳ năm Ất-Hợi 1886, ông mới thấy rõ được căn bệnh trầm-trọng của xã- hội miền này: nạn nhũng-lạm và hà-hiếp đã ăn sâu bám rễ trong giới quan-lại và hương-chức, xung-đột lương giáo xảy ra như cơm bữa.

      Theo như tờ trình của ông gửi cho ông Duperré ngày 28-4-1876, tất cả mọi suy thoái này đòi hỏi một cuộc cải-cách cấp-thiết và sâu rộng, cải-cách chính-trị, cải-cách kinh-tế mà trong hoàn-cảnh xã-hội ấy “triều-đình Huế không thể nào cáng đáng nổi, chỉ có người Pháp mới có thể đưa tay đỡ dậy một xứ sở quá suy yếu như vậy“ (12).

      Ta hãy nghe nỗi lòng yêu nước thương dân của ông qua lời ông tường-thuật thảm-trạng lầm-than của dân chúng Bắc- Kỳ:

      “Cái cảnh tôi sắp trải ra trước mắt ông cũng không kém buồn thương. Thú thiệt, ngực tôi phập phồng, lòng tôi buồn bực trước cảnh đói khó đang nhiễu hại đám dân đau khổ của xứ Bắc Kỳ.

      Tôi đã nghiên-cứu kỹ các tầng lớp xã hội, rồi một nỗi đau thương chiếm ngập lòng tôi.. Người có tiền của run sợ mà giấu-giếm huê-lợi của họ. Người buôn bán thì trốn chui trốn lủi. Người công kỹ nghệ âu lo, bởi vì gia-tài của Ất, của Giáp đều như phú-thác cho tham-ô của cả một guồng máy quan-liêu. Trong khi ấy, đông đảo người dân, những người không có ai coi ra gì. Người thợ ư? Người lao công cày ruộng ư? Đều rên xiết vì nghèo khó tột cùng và đang trải qua những ngày dài không cơm ăn, không việc làm. Và sự đói nghèo trong dân đà quá mức, khắp nơi rống tiếng hét gào sửa đổi, đòi một sự cai trị đủ sức trị an, để đảm-bảo quyền sở-hữu để đem lại cho công-nghệ và thương-mại sự an-toàn và sự hoạt- động cần-thiết cho chúng sống, tóm lại là kéo lên khỏi vực thẩm, kéo ra khỏi nạn đói, dân đen đang hấp hối.” (13)

      c- Lẽ thứ ba, ông ra làm việc với người Pháp, nhưng ông vô tư không thiên-vị, trái lại biết đặt quyền-lợi quốc-gia lên trên hết. Đối vối những người đồng-đạo ông không mù quáng bênh-vực họ mà để cho quyền-lợi quốc-gia bị thương- tổn.

      * c-1- Tại miền Trung, ở một vài nơi, những người theo đạo ỷ thế thực-dân, coi mình là ưu-hạng, nhiều khi tỏ ra muốn lạm-quyền, Petrus Ký đã lên án họ, như trong thư gửi cho Toàn-quyền Paul Bert, ông nói rằng:

      ”Tôn-giáo chỉ hiện-hữu dựa trên những nguyên-tắc đạo-lý chung. Khi cứu xét các sự-kiện, Nhà nước phải hiểu rõ được bổn-phận và vai trò của mình, phải có một thái-độ trung-dung làm sao để cho các giáo-phái không lũng-đoạn được trật-tự chung là một trong những mối ưu-tư hàng đầu của nhà nước. “ (14)

      * c-2- Và dù thuyết-phục các quan-lại ra làm việc với chính-phủ Bảo-hộ, song ông vẫn tích-cực chống đối mọi chính-sách của người Pháp có thể gây hại đến danh-dự và quyền-lợi của đất nước. Khi người Pháp đòi gia-tăng quyền- hạn cho họ ở Bắc-Kỳ, thì ngược lại, như trong thư gửi Toàn- quyền ngày 4-11-1886, ông cũng đòi người Pháp phải chia bớt cho ngân-quỹ triều-đình những tiền thuế hàng năm họ vẫn thu được ở đây.

      * c-3- Sau tờ Gia-Định Báo, ông tự xuất-bản nguyệt-san học-báo lấy tên là “Thông Loại Khoá Trình - Miscellanées ou Lectures Instructives pour Les Élèves des Écoles Primaires, Communales, Cantonales et Les Familles” (Tạp-Văn hay là Những Bài Đọc Bổ-Ích Cho Học-Sinh Các Trường Sơ-Cấp, Trường Làng, Trường Tổng và Gia-Đình). Ngoài những bài thuần-tuý về văn-hoá đông-phương, văn-học dân-gian, về văn cũ, văn mới, về kiến-thức phổ-thông, về các nhân-vật lịch-sử, những vấn-đề thời-sự, tờ báo còn đăng những bài thơ chống Pháp của các sĩ-phu ẩn-dật giấu tên, như bài “Con Rận Thơ” của Phan Văn-Trị. Cụ Bùi Hữu-Nghĩa mở bài hai câu như sau:

      “Ai khiến thằng Tây tới vậy à!

      Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba!”

      Riêng Trương Vïnh-Ký có bài vè 38 câu chỉ-trích chính-sách cai trị hà-khắc của thực-dân đăng trong số 12 tháng 4 năm 1889 trang 9-10:

      “Kể từ có giặc Lang-Sa

      Muôn dân thiên-hạ nhà nhà đảo-điên,

      Dân tình ai nấy ưu-phiền,

      Sưu cao thuế nặng quan truyền vô đây.”

      [Năm Canh Điểm Mục - Vè Nằm Dỏ] (15)

      d- Lẽ thứ tư, ông làm việc cho chính-phủ Bảo-hộ nhưng ông nhất định không chịu từ bỏ quốc-tịch của mình để vào “làng Tây“ như những người khác. Ông đã nói thẳng điều này trong thư ngày 15-9-1888 gửi cho bạn ông là Pène Siefert (16).

      Đây cũng là lý-do tại sao ông vẫn lưu giữ tên thánh bằng tiếng La Tinh PETRUS (xin lưu ý: tiếng La-tinh chữ e không có dấu sắc) đi kèm với tên gọi của mình, không phải rằng cái tên ấy “rất có ý nghĩa đặc biệt“ vì như đã có người lên án trước đây rằng ông là một tay sai dễ bảo của thực dân Pháp nên “nếu ông có công thì cũng chỉ có công đối với Tây mà thôi” (16). Trái lại thiển-nghĩ nếu nó “rất có ý nghĩa” thì phải chăng đó chỉ là phản-ánh thái-độ của một nhà trí-thức khảng-khái tuyên xưng tín-ngưỡng của mình khi mà đương thời phong-trào bài đạo vẫn còn lan rộng khắp miền Bắc?

      e- Lẽ thứ năm, từ tháng 2 năm 1886, ông cộng-tác với Toàn-quyền Paul Bert, vì Paul Bert vốn ngưỡng-mộ tư-cách, tài-năng thiên-phú ưu-việt của ông.

      Kết-quả là, ông đã bị chính những người thuộc-hạ và kế-nghiệp Paul Bert bạc-đãi ông ra mặt vì họ đố-kỵ và nghi-ngờ ông đã cộng-tác tiêu-cực không trung-thành với người Pháp (17).

      Sau hai tháng ngồi tại Cơ-Mật Viện trong vai trò trung- gian giữa triều-đình và chính-quyền Bảo-Hộ, ông cáo nhiệm về nghỉ tại Sài-Gòn vào tháng 8-1886. Mặc dầu Paul Bert viết thư hối-thúc ông trả lời, nhưng ông vẫn im lặng vui đời ẩn-sĩ miệt-mài với nghiệp văn của mình cho tới khi ông từ trần.

      Chính ông cũng không vui gì về sự hợp-tác với người Pháp. Trong thư gửi viên Giám-đốc Sở Nội-Vụ Nam-Kỳ, khiếu-nại việc ông bị cắt giảm tiền lương làm giáo-sư môn sinh-ngữ Đông-phương, ông đã khảng-khái nói rằng:

      “Với tư-cách là người giúp việc cũ của chính-phủ, tôi có quyền chờ đợi một sự tăng lương chứ không phải một sự cắt giảm. Cũng cần nói thêm rằng trước đồng-bào của tôi, tôi đã bị trừng phạt tinh-thần“

      Nỗi khổ-tâm không thấy mấy ai hiểu làm day-dứt tinh- thần này đã được ông ký-thác trong hai câu kết bài thơ Tuyệt Mạng:

      “Cuốn sổ bình-sinh công với tội,

      Tìm nơi thẩm-phán để thưa khai”(18)

      Trong một thư khác biết bằng chữ La-ngữ gửi cho bạn là bác-sĩ Chavanne, ông cũng bày tỏ rõ quan-điểm của mình, ông cho rằng: Đây là việc tôi ở với các anh chứ không phải vì theo các anh, đó chỉ là phận sự tôi phải làm và điều này làm tôi an lòng, ông nói: “sic vos non vobis, hoc est mea sors et consolatio.” (17)

      Tác giả người Pháp, J. Bouchot khi viết tiểu-sử của ông đã gọi ông là một nhà bác-học và là một nhà yêu nước (J.Bouchot, Un savant et un patriote Cochinchinois: Petrus T.V.Ký, 2ème édition, Nguyễn văn Của, 1927)

      Đúng là như vậy, nên vua Đồng Khánh đã làm thơ ái-mộ và tặng ông danh-hiệu Nam Trung Ẩn Sĩ lúc ông xin về nghỉ hưu (7).

      Sau khi ông tạ thế, để tỏ lòng thương tiếc, vua Khải-Định truy-tặng ông hàm Lễ-Bộ Tham-Tri (19).

      Quả thật thế, ông đáng được vinh-danh vì không những ông là một kẻ sĩ có tư-cách mà còn là một nhà bác-học lỗi-lạc thời-danh trên văn-đàn thế-giới, một nhà văn-hóa tiên-phong trong việc phổ-biến và hình-thành nền văn-học Quốc-ngữ.


      II- PETRUS KÝ, MỘT NHÀ BÁC-NGỮ-HỌC LỖI-LẠC

      2.1- Lẽ thứ nhất, Petrus Ký là người Việt đầu tiên mở rộng tầm hiểu biết sang lĩnh-vực văn-hóa Tây-Phương. J. Bouchot kể lại rằng ông đọc và nói được 15 thứ tiếng gồm sinh-ngữ, cổ-ngữ Đông Tây, và viết được 11 thứ tiếng. Câu chuyện sau đây kể lại tài ngôn-ngữ của ông trong thời-gian theo học tại chủng-viện Penang:

      “Một hôm, trong khi dạo chơi ngoài sân trường, ông bắt gặp tờ giấy viết bằng một thứ tiếng chưa hề biết. Thấy gần giống tiếng La-Tinh, ông suy từ đó dịch sang tiếng La-Tinh, mới hiểu ra rằng đây là bức thư gửi cho một giáo-sư trong trường, ông liền đem cả bản dịch lẫn bản chính cho vị này. Hết sức ngạc-nhiên về thiên-tài của ông, giáo-sư bèn trao cho ông cuốn tự-điển và một cuốn văn-phạm Pháp-văn để dạy ông học, vì thứ tiếng ông vừa dịch sang La-tinh chính là tiếng Pháp mà ông chưa hề học đến.” (20)

      Ông thắng giäi thưởng hạng nhất với 100 bảng Anh trong một cuộc thi bằng tiếng La-tinh. Là thủ-khoa trong khoá học 300 chủng-sinh Á-Đông, tuy được tuyển chọn du-học tại La-Mã để được đào-tạo làm linh-mục, nhưng ông đã quyết-định hồi hương. (21)

      Về tiếng Nhật và tiếng Ấn, ông cũng tự-học bằng cách cắt các báo cũ, rồi dùng phương-pháp đối-chiếu, diễn-dịch mà tìm ra các mẹo luật văn-phạm.

      2.2- Lẽ thứ hai, thiên-khiếu ngôn-ngữ ấy cũng được J. Thompson, một nhà du-lịch người Anh kể lại khi ông này ghé Sài-Gòn, có dịp tiếp-xúc với Petrus Ký . Ông ta nói:

      “Petrus Ký là một ngoại-lệ đặc-biệt trong đám dân bản- xứ mà tôi vừa mô-tả ... Tôi không bao giờ quên sự ngạc-nhiên của tôi khi được giới-thiệu với ông. Petrus Ký ngỏ lời với tôi bằng một thứ tiếng Anh rất khá pha một chút giọng Pháp. Tiếng Pháp ông cũng nói được mà nói không kém thuần-tuý và tao-nhã. Tiếng Tây-Ban-Nha, tiếng Bồ-Đào-Nha, tiếng Ý đối với ông cũng quen thuộc như những tiếng nói Đông- Phương. Một hôm tôi đến thăm, thấy ông đương soạn một tập ‘Phân tách đối chiếu những sinh ngữ thế giới’, cuốn sách ông đã để công nghiên-cứu từ mười năm. Ông có bên tay tất cả một kho sách hiếm và quý đã thâu-thập được phần ở Âu- Châu, phần ở Á-Châu. Vào buổi tối, một ông cố đạo đến góp chuyện với chúng tôi, và lúc ra về tôi để lại cho hai ông tranh- luận bằng tiếng La-Tinh về một vấn-đề thần-học.” (20)

      2.3- Lẽ thứ ba, ngoài ngôn-ngữ học, Petrus Ký còn nghiên- cứu sang cả những địa-hạt văn-hóa khác nữa.

      * Sau chuyến Âu-du, ông trở thành hội-viên thư-tín nhiều học-hội tại Tây-phương. Ông viết sử-ký, địa-lý Việt-Nam, khảo cứu về sinh, thực-vật học và canh-nông, trồng tỉa.

      * Trong tờ nội-san “Bulletin Du Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine”, ông có cả một thiên khảo-cứu về loại kiến vàng với việc trồng tỉa của nhà nông.

      * J. Bouchot nhận xét về ông như sau:

      “Nếu một mặt cách học chữ Hán theo lối cổ-truyền đã làm trí nhớ ông rất mực phát-triển, thì mặt khác, ông cũng biết lợi-dụng những phươn- pháp ấy để mở-mang năng-khiếu suy-luận, cái năng-khiếu thường thiếu vắng hoàn-toàn trong tác-phẩm các nhà nho Trung Hoa.…Đạt được những kết-quả ấy, không hẳn chỉ nhờ được đào-tạo tại các chủng-viện mà cũng không thể phủ-nhận là còn do tư-chất thiên-phú nữa” [J.Bouchot, Un savant et un patriote Cochinchinois: Petrus T.V.Ký, 2ème édition, Nguyễn văn Của, 1927] (20)

      * Pétrus Ký là người Việt-Nam đầu tiên xuất-hiện trên văn-đàn quốc-tế với tác-phẩm viết về vương-quốc Kmer: “Khái quát về vương quốc Khơme hay Campuchia (Notice sur le Royaume de Khmer ou de Kambodje). Bài viết đăng trên tờ nội-san của Hội Địa-lý (Bulletin de la Société de Géographie) xuất-bản năm 1863 ở Paris. Ban biên-tập nội-san đã giới-thiệu ông là một nhà bác-ngữ-học như sau:

      “Tác- phẩm này của Pétrus Trương Vĩnh-Ký, một thông-dịch-viên cho phái-bộ An-Nam, sang thăm nước Pháp tháng 10, 11-1863. Tuy còn trẻ tuổi, nhưng kiến-thức rất sâu rộng, lại biết nhiều thứ tiếng Tây Âu và phần lớn các ngôn-ngữ chính của Á-Đông. Tác-phẩm này cho thấy ông là người thông-thạo tiếng Pháp y như tiếng mẹ đẻ của mình”. (21 bis)


      III- PETRUS KÝ, MỘT NHÀ VĂN-HOÁ TIÊN-PHONG TRONG VIỆC PHỔ-BIẾN VÀ HÌNH-THÀNH NỀN VĂN-HỌC QUỐC-NGỮ

      3.1- Lẽ thứ nhất, ông đã hiến trọn gần cả cuộc đời cho văn -nghiệp.

      Trước-tác, biên soạn, xuất-bản sách báo là những hoạt- động chính-yếu của ông. Hiểu theo nghĩa này, ông quả đúng là một nhà văn, một nhà văn-hóa hơn là một nhà chính-trị.

      Thực vậy, ông bắt đầu xuất-bản các tác-phẩm của mình kể từ năm ông 26 tuổi, và theo đuổi nghiệp văn cho đến lúc lìa đời. Phải nói rằng chính phần trước-tác đồ-sộ của ông đã đóng góp rất đáng kể cho nền văn-học quốc-ngữ buổi phôi- thai. Từ lâu, học-giả Nguyễn Văn-Tố đã liệt-kê cả thảy được 118 tác-phẩm của Trương Vĩnh-Ký.

      Các sách lại này gồm có:

      a) một số viết bằng pháp-văn bao gồm những sách về ngôn-ngữ, những sách giáo-khoa và biên-khảo tổng-quát.

      • a-1 Chẳng hạn những bài khảo-cứu bằng Pháp-văn rất có giá-trị như:

      * Etude comparée sur les langues, écritures, croyances et religions des peuples de l'Indochine (Nghiên-cứu đối-chiếu các tiếng nói, chữ viết, tín-ngưỡng và phong-tục của các dân-tộc Đông-Dương.

      * Combinaison des systèmes d'écriture idéographique, híéroglyphe, phonétique, alphabétique (Nghiên-cứu đối-chiếu các hệ-thống chữ viết, tượng-ý, tượng-hình, theo ngữ-âm và theo vần mẫu-tự).

      * Etude comparée des langues et des écritures des trois branches linguistiques (Nghiên-cứu đối-chiếu những tiếng nói và chữ viết của ba ngành ngôn-ngữ).

      * Essai sur la similitude des langues et des écritures orientales (Lược-khảo về sự tương-đồng giữa các tiếng nói và chữ viết Đông-phương).

      * Les convenances et les civilités annamites (Phép lich-sự và xã-giao của người An-Nam).

      • a-2- Chẳng hạn các sách giáo-khoa gồm có:

      * các loại từ-điển như:

      Dictionnaire Français-Annamite; Dictionnaire Chinois-Annamite-Français; Dictionnaire géographique annamite; Dictionnaire biographique annamite.

      * sách dạy ngôn-ngữ tiếng Thái, Miên, Lào, Miến-Điện, Chàm, Tamil và Hindi...v...v...;

      * sách sử-ký, địa-lý như:

      - Cours d’Histoire Annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine (Cuốn I, 1875, Cuốn II, 1877);

      - Sử-ký Nam-Việt;

      - Sử-ký Trung-Hoa.

      - Petit cours de géographie de la Basse Cochinchine, 1875 (Giáo trình về địa-lý Nam-kỳ

      * sách giáo khoa dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, như: Abrégé De Grammaire Annamite; Grammaire De La langue annamite; Cours Pratique De La Langue Annamite; Alphabet Quốc-ngữ; Mẹo Luật Dạy Tiếng Pha-lang-sa; Alphabet français; Vocabulaire annamite-français 1887.

      b) dịch ra quốc-văn những sách Nho-học, trong số đó có một số tác-phẩm đáng kể như: Tứ Thư (Đại-Học, Trung-Dung 1889); Tam Tự Kinh (1884); Minh-Tâm Bảo-Giám (1891-1893); Sơ Học Vấn Tân, 1884 (Tóm-tắt sử của Trung-Quốc và Việt-Nam); Tam Thiên Tự (1887)

      Đánh giá cao đây là những bản dịch vừa sát ý văn, vừa linh-hoạt, học-giả Nguyễn Văn-Tố viết: “Ông đã biết giữ cho những tư-tưởng ấy cái vẻ linh-hoạt và biết theo cả thể văn mà làm cho câu của tiếng Việt đi sát nguyên-văn, không suy chuyển đến văn-vẻ, vì ông đã hiểu rằng cái điều thú-vị trong Tứ Thư – không kể đến lý-thuyết – chính là những cái đột- ngột, bất thường, không theo lệ-luật câu văn và cái đặc-tính ấy cần phải phản-chiếu từng ly từng tí trong bản quốc-ngữ.” (22)

      Lại trong bài tựa cuốn Trương Vĩnh-Ký của Lê-Thanh, học-giả Nguyễn Văn-Tố cũng viết: “Về Hán-văn, ông có dịch bộ Tứ Thư và quyển Minh-Tâm Bảo-Giám ra quốc-ngữ, kể cũng có công với Hán-học khi gần tàn, và tỏ ra một nhà nho gồm cả văn-học Âu Á mà vẫn giữ được tính-cách người Đại-Nam.” (23)

      c) phiên-âm ra chữ Nôm những tác-phẩm của các nhà Nho xưa, thường là các truyện thơ bao gồm mọi lãnh-vực: lịch-sử, xã-ội, luân-lý, v…v… Có thể kể ra một số tiêu-biểu như: Truyên Kiều (875); Đại-Nam Quốc-Sử Diễn-Ca 1875); Nữ-Tắc (1882); Cổ Gia-Định Phong-Cảnh Vịnh (1882); Gia-Định Thất-Thủ Vịnh (1882); Gia-Huấn Ca (1883); Lục Súc Tranh Công (1887); Văn Tế Nghĩa-Sĩ Cần-Giuộc (1887); Trung-Nghĩa Ca (1888); Lục Vân Tiên (1889); Phan Trần (1889).

      Ông là người đầu tiên phiên-âm truyện Kim Vân Kiều bằng chữ nôm cûa Nguyễn-Du ra chữ quốc-ngữ (1875). Truyện này mãi 50 năm sau, 1925, mới xuất-hiện bản “Truyện Thuý-Kiều” của Bùi-Kỷ và Trần Trọng-Kim.

      d) Các sáng tác của chính ông, diễn tả mọi khía cạnh của đời sống trên mọi địa hạt xã hội, trong đó đáng kể vào thời ấy là hai cuốn “Chuyện Đời Xưa“ và “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi”. (24)

      Cũng phải nói thêm rằng, vào tháng 7 năm 1958, học giả Trương Vĩnh-Tống, đã đem tặng Viện Khảo-Cổ Sài-Gòn tất cả những tài-liệu và sách vở trong thư-viện gia-đình của Petrus Ký, thân-phụ ông, gồm 12 loại: địa-lý, sử-ký, ngôn-ngữ, khoa-học, giáo-dục, chính-trị, kinh-tế, nho-học, phật- học, văn-chương, văn-học-sử, tiểu-sử, trong đó có nhiều bản thảo chưa in, do chính Petrus chép tay.

      3.2- Lẽ thứ hai, Petrus Ký là nhà văn đầu tiên nổi bật đưa ra lối viết văn xuôi.

      a- Cho tới thời ông, các nhà nho chỉ quen viết lối văn vần, hoặc biền-ngẫu với lối viết cầu-kỳ phức-tạp, đầy dẫy những chữ Hán, điển-tích và sáo-ngữ nhàm chán. Với hai cuốn “Chuyện Đời Xưa“ và “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi”, lần đầu tiên trong văn-học quốc-ngữ hiện-đại, xuất-hiện thể truyện ngắn, ký-sự và lối văn xuôi, lối văn bình-dân hoàn-toàn Việt-Nam.

      b. Đối với tờ “Gia Định Báo”, tờ báo quốc-ngữ đầu tiên do chính ông là người Việt đầu tiên làm giám-đốc, viên thống-đốc Nam-Kỳ, G. Roze, trong tờ trình ngày 5-9-1865, gửi bộ-trưởng Bộ Thuộc-Địa Pháp, đã nhận-định như sau:

      “Tờ báo này nhằm phổ-biến trong giới dân bản-xứ tất cả những tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến-thức về những vấn-đề mới có liên-quan đến văn-hóa và những tiến-bộ về canh-nông. Những viên thanh-tra đặc-trách về những công việc của người dân bản-xứ đã cho tôi biết rằng tờ Gia-Định Báo đã được dân-chúng ủng-hộ một cách nhiệt- liệt và ở nhiều địa-phương, những em bé biết đọc chữ quốc- ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nghe. Như vậy tờ báo này xuất-bản mỗi tháng một lần sẽ là một sự hữu-ích không thể chối cãi được và nó sẽ góp phần vào việc thay thế chữ của chúng ta và chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một thiểu-số quan-lại hiểu biết mà thôi”

      Cho nên, “thoạt đầu, nó chỉ là một tờ công-báo và được lưu-hành ở các xã thôn. Tuy nhiên, từ khi ông Trương Vĩnh- Ký đảm-nhiệm trông nom, tờ Gia-Định Báo lại có một nhiệm-vụ khác:

      - Cổ-động cho một lối học mới

      - Phát-triển chữ Quốc-ngữ

      - Khuyến-khích dân chúng học chữ Quốc-ngữ”(25)


      c) Nhiệm-vụ này được thể-hiện ở việc ông xuất-bản tờ nguyệt-san học-báo như đã đề-cập ở trên, sau khi tờ Gia-Định Báo đình-bản (phần I, đoạn 1.2, lẽ thứ 3, tiểu-đọan c.3)

      Chủ-trương tờ nguyệt-san học-báo này, ông đã bỏ tiền túi, tự đảm-trách mọi công việc, từ việc viết, đọc, chọn bài, sắp xếp bài vở, đến việc phân-phối, phát-hành và thâu ngân. Cho nên vì không đủ sở-phí, tờ báo chỉ ra được 18 số kể từ 1 tháng 5 năm 1888 đến tháng 10 năm 1889. Tuy nội-dung hoàn-toàn bằng quốc-ngữ song nhan-đề của tờ báo viết bằng chữ Hán và chữ Pháp - tờ Thông Loại Khoá Trình, Miscellanées ou lectures instructives pour les élèves des écoles primaires communales et cantonales – đã nói lên chủ-ý của ông là lưu ý các nhà nho thủ-cựu cũnng như những người theo Pháp đang chống đối chữ quốc-ngữ và nói lên được tính giáo-dục nhằm phổ-biến rộng-rãi chữ quốc-ngữ không những chỉ trong học-đường mà còn trong mọi gia-đình. (15)

      Vì vậy cho dẫu rõ đó là mục-đích của thực-dân muốn như thế, song những cố gắng của ông đã đóng góp rất nhiều vào việc truyền-bá chữ Quốc-ngữ cũng như văn-học hiện-đại.


      3.3- Lẽ thứ ba, có một điều đáng lưu ý nhất là vào thời ông, chữ Quốc ngữ bị rẻ-rúng và bị chống đối từ mọi phía: phe các nhà nho yêu nước bảo-thủ và ngay cả chính phe thực- dân Pháp nữa.

      a. Các nhà nho bảo-thủ chống đối vì cho rằng chữ Quốc-ngữ chỉ là phương-tiện giao-dịch hàng ngày, để kiếm sống, để được thăng chức, hơn nữa là một lợi-khí chính-trị của thực-dân, một phương-tiện xâm-lăng tinh-thần của họ (để quảng-bá đạo công-giáo và tuyên-truyền ảnh-hưởng của thực-dân. Họ tin rằng
      những giá-trị tinh-thần truyền-thống sẽ bị suy sụp một khi bãi bỏ việc sử-dụng chữ Pháp và chữ Hán cùng chữ Nôm (26).

      Nguyễn Đình-Chiểu, tác giả truyện Lục Vân Tiên, một thứ truyện Kiều của Miền Nam, đã nổi giận khi hương-chức trong làng đến xin cụ cho phép con trai thứ bảy của cụ là Nguyễn Đình-Chiêm được học chữ Quốc-ngữ (27).

      Chính các thân-hào nhân-sĩ miền Nam khi ấy cũng đã đăng bức thư ngỏ trên báo Pháp “Le Saigonnais“ số ra ngày 10-12-1885, yêu-cầu chính-phủ bảo-hộ cho bãi bỏ chữ Quốc- ngữ, duy trì tiếng Pháp và chữ Nôm (28).


      b. Sự chống đối cũng gây sôi nổi trong giới thực-dân.

      • Họ biện-luận rằng chữ quốc-ngữ chỉ hữu-dụng trong giới bình-dân và các trường tiểu-học, cho họ đọc được các thông-cáo và các sắc lệnh của nhà nước, đọc một số sách và báo chí thông-thường cần-thiết trong cuộc sống thường ngày, chỉ có tiếng Pháp và chữ Hán mới là thứ chữ của văn-hóa, văn- chương dùng trong các trường trung-học và đại-học. Cho nên, một mặt phe thực-dân thúc-bách chính-phủ bảo-hộ cho dùng chữ Nôm trong văn-học và trong các học-đường cao hơn, mặt khác, họ yêu-cầu chỉ cho dùng chữ Quốc-ngữ trong việc giao-dịch hằng ngày như là đọc báo chí chẳng hạn (27).

      • Cho tới năm 1913, sau khi ông từ trần, sự chống đối này vẫn còn tồn-tại. Cũng cùng một luận-điệu tương-tự, đại-tá Diguet yêu-cầu duy-trì chữ Hán vì cho rằng Quốc-ngữ không phải là thứ chữ của văn-chương Việt-Nam (29).

      • Tuy nhiên, thức-tỉnh trước thắng-lợi của Nhật-Bản trong cuộc chiến-tranh Nhật Nga năm 1905, giới nhà Nho bảo-thủ bắt đầu nhận rõ ra được vai trò quan-trọng của chữ Quốc- ngữ, mới biến chữ quốc-ngữ thành lợi-khí hữu-dụng để kêu gọi và phát-triển lòng yêu tổ-quốc, từ đó mở ra một kỷ-nguyên mới cho nền văn-học Việt-Nam hiện-đại cũng như cho các cao-trào cách-mạng sau này.

      Bởi thế, tuy hẳn nhiên không phải là người sáng-chế ra chữ Quốc-ngữ cũng không phải là người đầu tiên dùng thứ chữ này nhưng Petrus Ký đã dẫn đầu các nhà văn tiên- phong ra sức vượt mọi chướng-ngại giăng ra từ mọi phía khả-dĩ thúc đẩy nền văn-học Quốc-ngữ được “cất cánh“ vào năm 1945.

      Trong phương-trình dưới đây,

      đường L = nt + M biểu-diễn:

      Tương lai văn học quốc ngữ =

      nỗ lực xây dựng x thời gian + nền móng phát triển.


      đồ-thị chứng-minh vai trò của ông, một nhà văn tiên-phong dẫn đầu trong công cuộc xây dựng nền móng phát triển để hình thành và phổ cập nền văn học Quốc ngữ Việt Nam.

      Chú-thích đồ-thị:

      * RN: chữ Quốc -ngữ, thành-lập tư cuối thể-kỷ 16, chưa được sử-dụng rộng-rãi khắp cả nước, ban đầu chỉ là phương-tiện để dạy các thừa-sai và dịch các kinh sách trong đạo Thiên-Chúa.

      - NO: Với tờ “Gia Định Báo“ (1865) và những công- trình trước tác của ông, Petrus Ký trở thành một tên tuổi lỗi-lạc trong số các nhà văn tiên-phong dấn thân cho việc hình-thành nền văn-học chữ Quốc-ngữ, trong khi thứ chữ này lại bị chống đối từ mọi phía gồm giới sĩ- phu yêu nước bảo-thủ, các học-giả theo tân-trào, và ngay cả phe thực-dân.

      - OP: Từ 1905, các sĩ-phu yêu nước đối lập nhìn nhận được những lợi-ích thiết-thực của Quốc-ngữ, đã lợi- dụng văn-tự này làm vũ-khí hữu-hiệu cổ-vũ các phong- trào cách-mạng, chữ Quốc-ngữ thành phổ-cập.

      - PQ: Từ 1932, nhóm trí-thức lãnh-hội nền giáo-dục Âu- Tây, canh-tân nền văn-học Việt-Nam, ra mắt công- chúng những tác-phẩm của họ, mệnh-danh là nhóm Tự- Lực Văn-Đoàn, từ đó, khích-lệ và đẩy mạnh đà phát-triển cho văn-học Việt-Nam sang giai-đoạn cất cánh.

      KẾT-LUẬN

      1. Xưa nay không ai phủ-nhận tư-cách và thiên-tài của Petrus Ký. Nhà bác-ngữ-học này quả là một nhà thông-thái, một nhà văn-hóa lớn so với các người đồng thời với ông ở Việt-Nam và ở Âu-Châu. Ông cũng là một nhà văn tiên-phong sáng giá nhất đã hiến cả cuộc đời cho việc hình-thành nền văn-học và văn-hóa Việt-Nam hiện-đại.

      2. Cho nên vinh-tôn ông chính là phục-hồi danh-dự cho ông, là giới-thiệu với thế-giới và với nước Canada đa văn-hóa này, một học-giả có tên tuổi lớn của Việt-Nam. Chúng ta vinh-tôn ông chính là góp phần vào việc phát-triển nền đa văn-hóa xứ Canada vốn nổi tiếng là một quốc-gia chuộng tự- do, dân-chủ, xây-dựng hoà-bình và bảo-vệ bất cứ một giá-trị cội nguồn nào.

      3. Chúng ta vinh- tôn ông cũng còn là nhắc nhở cho các thế-hệ trẻ nói chung, biết noi gương hiếu-học của ông, và những người Việt lưu-vong nói riêng, nhận biết được di-sản của mình mà ra sức chia sẻ tham-dự vào mọi sinh-hoạt của xã-hội mới, ngõ hầu tích-cực và mau-mắn làm phong-phú nền đa văn-hoá của xứ này.

      --------------------------------------------------------------------------------------------------

      Cưóc-chú

      (*) Trước đây, bài viết được tóm lược dưới nhan-đề: “Petrus Trương Vĩnh-Ký (1837-1898), A Great Cultural Name, The First Erudite Philologist of The Vietnamese Literature of Quốc-ngữ”, nguyên là bài thuyết-trình trước một số giới chức Canada, nhân-sĩ Toronto và đại-diện của Hội Sử-Học Đa-Văn-Hoá Ontario trong buổi giới-thiệu mô-hình tượng đài Petrus Ký ngày 19-3-1994 do điêu-khắc gia Phạm Thế-Trung thực-hiện cho dự-án công-viên văn-hoá được Hội này nhiệt-liệt tán-trợ. Bài thuyết-trình này được đăng lại trong niên-san Vietnamologica số 2, 1996 của Trung-Tâm Việt Nam Học Canada)

      http://www.hmongstudies.org/VSBibHistoryCulture.html

      [Do, Q.V. 1996. Petrus Truong Vinh Ky 1837-1898, a great cultural name, the first erudite philologist of the Vietnamese literature of Quoc Ng. Vietnamologica, volume 2.]

      Về sau, người viết quảng-diễn, chuyển sang Việt-ngữ và lần-lượt bổ-túc đăng trên quý-san Định Hướng, Paris # 26, 2001, chuyên-san Dòng Việt, California, số 20, 2006. Tuy nhiên đồ-thị khi in ra bị sai trệch, không chứng-minh được rõ-ràng lắm. Nay bài viết này được bổ-túc thêm và hiệu-đính lại (chú số 21 bis và phóng ảnh đồ-thị).

      (1) Quán Phong, Trương Vĩnh Ký, tạp chí Nắng mới số 21 tháng 6 năm 1993

      (2) Roland Jacques, dựa trên rất nhiều chứng-liệu và bút-tích còn lưu- trữ phần lớn tại các văn-khố ở Lisbonne, ở Madrid và ở Roma, đã nỗ- lực chứng-minh rằng “Giáo-sĩ Đắc-Lộ hẳn nhiên là một nhà truyền giáo lớn, nhưng không phải là một siêu-nhân”, ông không phải là người đầu tiên sáng-chế chữ quốc-ngữ; xưa nay người ta đã “xoá bỏ vai trò cốt cán của Bồ Đào Nha thực hiện tại Việt Nam xuyên qua các vị truyền giáo dòng Tên trong thế kỷ XVII, nơi những tác-phẩm nghiên-cứu đặc-biệt liên-hệ“ (xem Roland Jacques, Roma, Italia trong bài “Bồ-Đào-Nha và công-trình sáng chế chữ Quốc-ngữ. Phải chăng Cần Viết Lại Lịch-Sử?” đăng trong tạp-chí Định Hướng số 17 mùa thu 1998.

      a) “Một nhân-sĩ thân quen với đoàn truyền giáo có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh-niên lanh-lợi và thông-minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng vô cùng hâm mộ…Anh tên thánh rửa tỗi là Phêrô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh-mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater Noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa-phương, (các kinh) mà Ki-tô- hữu đã thuộc lòng. Theo thói quen làm biên-bản hàng năm của các tu- sĩ dòng Tên, “linh-mục”, tác-giả các công-trình liên-hệ không minh-nhiên được nêu tên. Ba tu-sĩ dòng Tên giờ có mặt tại cơ-sở truyền giáo Puklo Canmbi (Quy-Nhơn), lúc công-trình này tiến-hành là linh-mục Buzomi, linh-mục Pina và linh-mục Borri, một người vừa mới đến bắt đầu học tiếng…Những tác-nhân chính-yếu thực-hiện công-trình này là linh-mục Pina và chàng thanh-niên Việt-Nam cộng- tác với ông ấy. Theo chính lời xác-nhận của chính linh-mục Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn-thành việc xây-dựng một hệ-thống chuyển mẫu tự La-tinh cho thích-hợp với lối phát âm và thanh-điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển-tập và bắt đầu viết một bản văn- phạm. Kết-quả đó, linh-mục Pina đã đạt được một cách vất-vả, với sự trợ giúp của mốt số ít học-sinh Việt-Nam quy tụ chung quanh ông.

      b) Tường-thuật về cái chết ngày 15-12-1625 của Pina, nhà truyền giáo Bô-đào-nha, Bartoli đã viết như thế này thay cho bài điếu- văn: “Linh mục Pina là người Bồ-đào-nha, thọ 40 tuổi. Ngài được người ngoại giáo mến chuộng, vì ngài nói tiếng của họ, như chính ngài là người bản-xứ Đàng Trong vậy.”

      c) “Năm 1624, Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho những người ngoại-quốc đầu tiên trong đó có hai học-trò rất cự- phách: linh-mục người Bồ-Đào-Nha António de Fontes, một nhà truyền giáo kỳ-cựu và sẽ là một trong những cột trụ cho xứ truyền giáo Đàng Trong; và linh-mục Alexandre de Rhodes. Vị này sớm được gọi để thành-lập xứ truyền giáo Đàng Ngoài từ 1627 đến 1630.“

      d) “Sau cái chết bi-thảm của Pina, nỗ-lực về ngữ-học của các vị tiên-phong ấy vẫn được tiếp-tục ít nhất là trong hai thập niên. Cố- gắng của họ trước hết nhằm sáng-tạo một ngữ-vựng Kitô giáo và viết ra những phần căn-bản về văn-chương Kitô giáo. Vai trò của các văn- nhân Kitô giáo Việt-Nam ở đây cũng rất lớn.

      e) Mặt khác nỗ-lực phân-tách văn-phạm và ngữ-âm tiếng Việt được tiếp-tục nghiên-cứu một cách có hệ-thống để kiện-toàn dần hồi lối viết bằng mẫu tự La-tinh, đây là một công-trình tập-thể khó mà phân-tích được phần riêng nào của một ai. Điều chắc-chắn rằng Alexandre de Rhodes sớm tách ra khỏi công-trình tiếp-tục này vì vào lúc ấy ông vắng mặt ở xa tận Macao từ năm 1630 đến 1640. Chính ông đã nêu tên hai nhà tự-vựng học nổi tiếng nhất trong bài tựa cuốn từ-điển: hai người Bồ-đào-nha Gaspa do Amaral và António Barbosa.”

      f) Một cuộc họp định-chuẩn được tổ-chức tại Macao năm 1645 để bàn về một vấn-đề gây tranh-cãi liên-quan đến hệ-thống thuật-ngữ Kitô giáo bằng tiếng Việt. Kho tài-liệu lưu-trữ còn giữ lại cho chúng ta tên tuổi các chuyên-gia lão-luyện chi-phối các cuộc thảo-luận: bên cạnh Amaral, được chỉ-định như nhà chuyên-môn tài- ba nhất (peritissimus), và Barbosa, còn thấy Baltazar Caldeira sinh ở Macao, cũng như Manuel Pacheco và Pêro Alberto, hai vị sau này đều sinh ở Bồ. Đối-diện với họ, Alexandre de Rhodes chủ-trương một lập-trường trái ngược, và ý-kiến của ông bị gạt bỏ. Mặc dầu sau đó một vì dòng Tên người Sicilia còn trẻ, tên Metello Saccano hăng say hỗ-trợ lập-trường của ông, nhưng rồi quyết-định trên vẫn giữ lại.“

      (2 bis) Nhật-báo công-giáo Pháp La Croix ngày 18-1-1996 tường- thuật chuyến viếng thăm của đoàn hàng giáo-phẩm công-giáo Pháp đến Việt-Nam do tổng giám-mục Joseph Duaval, chủ-tịch Hội-Đồng Giám-Mục Pháp hướng-dẫn. Trong thư gửi Đức Tổng Giám-Mục để trình-bày quan-điểm của mình về lời phát-biểu của ngài được thuât lại trên tờ báo, Roland Jacques, một nhà nghiên cứu lịch-sử Giáo-Hội Việt-Nam, viết như sau:

      “Ký-giả trích-dẫn trong ngoặc kép những lời phát-biểu mà Đức Cha đã nói để giả- thích lý-do chuyến viếng thăm này: Giáo-Hội này có gốc từ Pháp, nó được thành lập nhờ những nổ-lực của các nhà truyền giáo Pháp. Có lẽ người ta đã méo-mó những lời nói của Đức Cha, nhưng dẫu sao một sự xác-quyết như thế là một sự sai lầm, và là một phươn- cách rất đáng tranh-cãi để chuẩn-bị khung-cảnh (thuận- lợi) cho cuộc gặp-gỡ.

      Ai đã thành-lập nên Giáo-Hội Việt-Nam? Trả lời cho câu hỏi có tích cách lịch-sử này, phải khẳng-định (sans ambiguité) rằng các vị thành-lập, kể từ năm 1615, là những giáo-sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật-Bản, tỉnh dòng có tích cách quốc-tế trong việc tuyển chọn (nhân-sự) và thuần-tuý Bồ-Đào-Nha trong các mối lệ-thuộc về mặt pháp-lý…Khi những vị người Pháp đầu tiên như tu-sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier - đi tàu biển đến xứ này vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm 8 quốc-tịch đã tiế- tục nhau đến trước, trong số đó có 35 vị người Bồ, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. Những giáo-dân được đào-tạo kỹ-lưỡng hướng-dẫn họ, có đủ khả-năng đương đầu với những cảnh khó-khăn nhất.

      Thật sự có sự-kiện là lịch-sử được viết theo lối người Pháp cố nêu lên sự-nghiệp to lớn này cho một mình cha Alexandre de Rhodes…Ngoài ra, tên tuổi ngài được gắn liền với các công-trình ngữ-học về tiếng Việt nhờ những tác-phẩm ngài đã xuất-bản tại Âu- Châu vào năm 1651. Trong lãnh-vực này cũng như trong công việc truyền giáo nói riêng, sự thành-công của ngài lệ-thuộc vào công- trình của các vị tiên-phong đi trước ngài. Đây là một công-trình tập- thể rõ rệt, không thể gán cho công-lao một xứ nào riêng, dẫu người Bồ-Đào-Nha gián-tiếp đã là những bậc thầy thi công, cũng như họ là những người thợ đông nhất ...

      Đức Cha hẳn nhiên là vô tình mang lại một cái dựa cho môt luận-cứ từng gây nên nhiều tai hại cho người công-giáo Việt-Nam, và luận-cứ đó từ mấy năm nay dấy lên một cách mạnh-mẽ. Lời mỉa-mai của dân chúng hoặc cả đến các giáo-sư đại-học tên tuổi đã từng kịch- liệt chứng-minh về sự thông-đồng giữa chủ-nghĩa thực-dân Pháp và sự lan tràn của đạo Công-giáo vào Việt-Nam.“ (xem bài “Câu hỏi trong khuôn-khổ lịch-sử khách-quan: Ai đã thành lập giáo hội Việt Nam?” đăng trong Định hướng, 14, Mùa đông 1977, tr.120-122).

      (3) Vũ Ngọc-Phan, Nhà Văn Hiện-Đại, Đại-Nam Publish, 1334N. Pacific Aven. CA. 91202. USA, tr.37.

      (4) * Phạm Thế-Ngũ, Việt-Nam Văn-Học Sử Tân-Biên, Tập 3, Đại- Nam Publish, tr. 67-69.

      * Huỳnh Văn-Tòng, Lịch-Sử Báo Chí Việt-Nam, Trí Đăng & Viện Đại-Học Hòa-Hảo, tr. 53.

      (5) Trong cuốn Le biographe (1873-1874) có ghi: 1. Allemand (bac sĩ); 2-Bonadona d'Ambrun; 3- Bonhomme ( Honoré); 4- Cazot (Jules); 5- Chambron (ñåi-Tܧng); 6. Chambord (Bá tước); 7- Christophe (Albert) ; 8- Conte (Casimir); 9- Desmaze ( Charles); 10- Duprat ( Pascal); 11- Dupuy (Charles); 12- Garnier Pages; 13- Guizot; 14. Lafazette (Oscar de); 15. Lefèvre-Pontalie ( Amedée); 16. Marcou; 17. Petrus Kš; 18- Saldonha.

      (6) * Nước Pháp ban tặng Hàn-Lâm-Viện đệ nhất đẳng bội-tinh

      * Triều-đình Tây-Ban-Nha ban tặng huy-chương “Isabelli la Catholique” (27-6-1868)

      * 1876, được cử làm hội-viên cûa Hội Văn-Hoá Á-Châu.

      * 1878, được mời làm hội-viên Hội Chuyên-Học Địa-Dư Ba-Lê.

      * 1883, Hàn-Lâm-Viện Pháp trao tặng huy-chương Hàn-Lâm Viện đệ nhị đẳng bội-tinh (Palmes d’Académie).

      * Ngày 17-5-1886, Nam-triều ban Tứ Đẳng Long Tinh, ngọc-khánh, kim-khánh.

      * Ngày 4-8-1886, nước Pháp trao tặng Ngũ Đẳng Bắc Đẩu bội-tinh.

      (7) Nguyên-bản bài tự-văn và thơ trường-thiên cûa vua Đồng-Khánh:

      Sắc cho Nam-Trung Ẩn-Sï Trương Vïnh-Ký, nguyên-chức Cơ-Mật-Viện, hiện sung chức Haà-Lâm-Viện Thị-Giảng Học-Sĩ, nay cố thỉnh hồi hưu. Vậy đặc cách ban cho các hạn bửu vật tiễn vềm nhơn bài thành thơ trường luật để ghi tưởng nhớ về sau.

      Lời Tự

      Sĩ quân-tử làm cho đời kính trọng, chẳng chi lớn bằng cang thường. Người đời xưa đọc sách trong chốn ruộng nương, tưởng như vui đó suốt đời. Một ngày kia nhức mình đứng dậy là để đạt hành cái nghĩa vua tôi vậy. Trương Sĩ-Tải, người trong cõi Nam, sinh ra sẵn có tính-chất thông-minh, học rộng nghe xa,các nươc Âu Á gót du hầu khắp;chữ,tiếng,vật đâu đó đều hay mà chưa hề nhận một chức gì để trái lìa nước cha mẹ.Về thì ở ẩn dạy học,chẳng chịu lụy với đời.
      Mới đây nghe kinh thành có việc,liền cởi gió rẽ sóng tới đây,vì nước quên nhà,vì công quên tư,giảng điều tín mục,đem lòng thành cảm động đặng người.Đang khi vận nước nhiều nan,mà vì Trẫm giúp vực ,châu toàn đâu đó,chỉ trong sáu tháng,mọi sự lần rồi,thiệt là hạng người bực nhứt vậy.

      Ôi đất Nam từ lâu tuy thuộc nước nhà, song văn hóa quốc trào, ít phần kịp tới, mà Trương quân có tài hơn người như vậy,há chẳng phải khí thiên non nước đúc nên, giáo trạch tiên trào để lại,mà đặng vậy sao? Trẫm mầng đặng Trương quân mà lòng cảm kính.

      Trước kia từng bạt thọ chức "Hàn lâm viện thị giảng học sĩ", hằng ngày chầu chực chốn ngự diên, giảng bàn tự thoại điển cổ các nước. Trẫm toan những vui đó, chẳng biết chán mỏi; còn mong mở hết mưu lược để giúp vực Trẫm cho trọn buổi gian nan này. Nào dè câu chuyện vui chưa được bao ngày, đã vội xin về. Trẫm nay tấc nghỉ chân thành không bao giờ đã.

      Nay đặc ban cho những bảo vật sau đây :
      1/ Một cây lương ngọc như ý
      2/ Chục lượng Nam kim
      3/ Một cây tê giác
      4/ Ba cây gấm Tàu
      5/ Tám tấm sa Tàu
      6/ Hai khẩu súng cò
      7/ Một chiếc hộp sa cừ
      Và một bức chơn dung của quả nhơn, cùng một mặt ngọc khánh trong khắc bốn chữ "Hiếu-Để-Trung-tín" là vật của đức Hoàng khoả ấn tứ Trẫm từ lúc mới sanh,để lưu làm đồ thế bửu. Nay đem tặng cho Trương quân, đặng xứng đáng tấm lòng yêu chuộng người hiền từ lâu của Trẫm.

      Vì đó dọn nên một bài thơ trường luật để ngụ tấm tình, Ngươi cùng con ngươi đều nên để lòng thể tất lời đó. Cổ nhơn có câu: "Trước sau trọn hết nghĩa vua tôi, Nội ngoại chớ quên tình ưu ái". Trẫm cũng đem lòng kỳ vọng cho ngươi, ngõ hầu chẳn lãng tình xưa nghĩa cũ. Một lời lãnh ý, xin mãi ghi lòng, Trẫm cũng đặng hưởng cái phước háo "Đãi hiền" vậy.

      (Thơ làm theo thể " song thất lục bát như sau):
      Ngoài dặm biển sóng cồn đang rội;
      Trong kinh kỳ lửa khói vừa tan.
      Thương ôi cảnh ngộ gian nan,
      Nỗi lòng uất ức biết bàn cùng ai.
      Gặp vận rủi,trông tà



      cafe phuonglam




Về Đầu Trang Go down
 

VINH DANH NHÀ VĂN HOÁ, NHÀ NGỮ HỌC PHÊRÔ TRƯƠNG VĨNH KÝ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: (¯`• ♥.*. ♥•´¯) NGHỆ THUẬT SỐNG (¯`•♥.*.♥.´¯) :: VĂN NGHỆ SĨ CÔNG GIÁO-
free counters