Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
THÁNH GIUSE VÀ DÒNG ĐAMINH Sudieptutroi

 

 THÁNH GIUSE VÀ DÒNG ĐAMINH

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
HeoCon1103
THƯỢNG VIỆN
THƯỢNG VIỆN
HeoCon1103

Giới tính : Nữ
Tổng số bài gửi : 333
Điểm NHIỆT TÌNH : 935
Ngày tham gia : 12/02/2011
Đến từ : GIA KIỆM
Job/hobbies : đọc sách và vẽ tranh

THÁNH GIUSE VÀ DÒNG ĐAMINH Vide
Bài gửiTiêu đề: THÁNH GIUSE VÀ DÒNG ĐAMINH   THÁNH GIUSE VÀ DÒNG ĐAMINH EmptyThu Mar 17, 2011 9:37 pm




    THÁNH GIUSE


    Dòng Ðaminh đã đóng góp gì vào việc phát triển lòng tôn kính thánh Giuse trong Hội thánh? Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử phụng vụ và lịch sử thần học.

    I. Phụng vụ kính thánh Giuse

    Ngay từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu đã tôn kính các vị tử đạo nhân ngày giáp năm từ trần; kế đó là các "chứng nhân" khác tuy không đổ máu đào nhưng đã sống trung kiên với đức tin cách anh hùng. Cách riêng, lịch phụng vụ đã ghi nhận những lễ kính Ðức Maria từ thế kỷ IV. Còn thánh Giuse thì đáng làm gương mẫu của sự âm thầm (thinh lặng) không những khi sống mà cả khi chết nữa.

    Mãi tới đầu thiên niên kỷ thứ hai, mới thấy nhắc đến lễ kính thánh Giuse ở vài tử đạo thư (martyrologium) bên Ðức vào ngày 19 hoặc 20 tháng 3 hằng năm (không hiểu lý do vì sao chọn ngày này). Tuy nhiên đến thế kỷ XIII mới thấy bài lễ (Officium) được sử dụng tại đan viện Dòng Biển đức tại Liège, nhưng các chứng tích vào thời này vẫn còn hiếm hoi.

    Một bước tiến xa hơn được bắt đầu với sự xuất hiện các Dòng hành khất. Tổng hội dòng Tôi tớ Ðức Mẹ năm 1324, Dòng Phansinh năm 1399 đã du nhập lễ thánh Giuse vào Dòng. Theo đà đó, năm 1479, đức giáo hoàng Sixtô IV (dòng Phan sinh) truyền thêm lễ thánh Giuse vào sách nguyện và sách lễ Rôma; nhưng quyết định chỉ có giá trị cho giaso phận Rôma. Phải chờ đến ngày 8/5/1621, đức Grêgôriô XV mới truyền cử hành trong toàn Hội thánh; thế nhưng nghị định không được chấp hành, và đức Urbanô VIII đã lặp lại vào năm 1642.

    Riêng trong Dòng Ðaminh, trong hai thế kỷ đầu tiên, không thấy dấu tích gì về việc tôn kính thánh Giuse. Trong lãnh vực phụng vụ, chúng ta phải khiêm tốn thú nhận rằng Dòng ta đi sau các Dòng khác. Theo cha R. Gauthier, mãi đến đầu thế kỷ XVI mới thấy xuất hiện các bản văn phụng vụ kính thánh Giuse trong lịch dòng Ðaminh (chẳng hạn Sách Lễ in tại Venezia năm 1504, và sách nguyện năm 1507, lúc đầu ad libitum, và chỉ trở thành bắt buộc với tổng hội năm 1508, khi cha Thomas de Vio - Cajetanus- đắc cử tổng quyền). Tuy nhiên, sự đóng góp của Dòng giảng thuyết đối với thánh Giuse nằm ở bình diện khác, đặc trưng của Dòng: giảng thuyết và suy tư thần học.

    Trước đây, có người gán cho thánh Albertô như là sọan giả của bài kinh nguyện về thánh Giuse (Officium) theo lời yêu cầu của nhiều anh em. Tuy nhiên, khoa phê bình lịch sử đã phủ nhận điều này. Một điều chắc là thánh Giuse được nhắc đến trong nhiều đọan chú giải Kinh thánh của Albertô.

    Một tu sĩ Ðaminh khác đã đóng góp vào việc truyền bá lòng sùng kính thánh Giuse là thánh Vinhsơn Ferrer (1350-1419) qua nhiều bài giảng còn ghi lại.

    II. Thần học về thánh Giuse

    Các nhà thần học đầu tiên của Dòng Ðaminh đã nói đến thánh Giuse khi chú giải những đọan Tin mừng Luca, chẳng hạn như Albertô, như vừa nói.

    Thánh Tôma đã để lại ba lời khẳng định căn bản về thánh Giuse:

    - a) Hôn nhân với đức Maria là một giá thú thực sự (chứ không phải giả vờ): Summa Theologica III, q.29, a.2; IV Sent., dist. 30, q.2, a.2.

    - b) thánh Giuse đã giữ gìn đức trinh khiết trọn hảo suốt đời (Ad Galatas, c.1. lect.5; Super Mt 12,46 ss; Super Io. c.2; Summa Theol. III q.28,a.3, ad 5).

    - c) đức Maria và thánh Giuse đã khấn khiết tịnh: trước khi kết hôn, có điều kiện, và tuyệt đối sau khi kết hôn.

    Từ những nền tảng vừa nói, các nhà thần học và giảng thuyết (Ubertinô de Casale +1325, Bernarđinô Siena +1444 ) đã khai triển thành những sách suy gẫm về vị dưỡng phụ của Chúa Cứu thế.

    Dù sao, đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV đã nhìn nhận rằng trong số những người tiên phong đã sử dụng ngòi bút để cổ động lòng tôn kính thánh Giuse phải kể đến hai người: linh mục Jean Gerson, chưởng ấn đại học Paris (1363-1429) và cha Isiđôrô de Isolanis, dòng Ðaminh. Cha Gerson đã viết một trường thi về thánh Giuse (gồm 2957 câu, chia thành 12 quyển) ca tụng sứ mạng và sự thánh thiện của Ngài. Cha Isiđôrô Isolani thì viết một khảo luận thần học về thánh Giuse, nhằm nêu bật những nét cao quý của người bạn của đức trinh nữ Maria và dưỡng phụ của Chúa Cứu thế. Các sử gia nhìn nhận rằng thần học hệ thống về thánh Giuse bắt đầu với cha Isolanô. Ðây là điểm mà tôi muốn trình bày hôm nay.

    A. Tác giả

    Chúng ta không biết chắc chắc về năm sinh và năm chết của cha Isiđôrô Isolani (k.1475-k.1528). Chỉ biết rằng cha làm bề trên tu viện S. Maria delle Grazie tại Milano (nơi có bức họa nổi tiếng Bữa Tiệc ly của Lêônarđô Vinci) vào năm 1528. Trước đó, từ năm 1517, cũng tại Milanô, cha đã xuất bản tác phẩm thần học De imperio militantis Ecclesiae. Nhiều tác phẩm khác được phát hành tại Pavia vào những năm kế tiếp (chẳng hạn những khảo luận chống lại Luthêrô (Disputationes catholicae quinque, 1522), cho thấy cha đã được thuyên chuyển đây đó để dạy học. Cũng vào năm 1522 tại Pavia, cha cho phát hành cuốn tổng luận thần học về thánh Giuse, tuy cha bắt đầu biên sọan quyển này từ năm 1514, tại Fontanellato, cạnh tu viện có nhà thờ dâng kính thánh Giuse. Có lẽ cha chỉ dừng lại tu viện Fontanellato chừng hai ba năm, bởi vì vào năm 1517 cha đã trở về Milanô rồi. Cha qua đời khỏang năm 1528.

    B. Tác phẩm

    Như đã thấy trên đây, những bài giảng, suy niệm hoặc khảo luận về thánh Giuse đã ra đời từ thời các giáo phụ. Tuy nhiên, cha Isolani là người đầu tiên biên sọan một quyển sách thần học trình bày mạch lạc về người dưỡng phụ của Chúa Giêsu, với tựa đề Summa de donis S. Joseph. Lúc xuất bản tại Bologna (nơi cha đang làm giám học magister studii) năm 1522, cha Isolani đã đề tặng tác phẩm lên Ðức giáo hoàng Ađrianô VI.

    Tác phẩm được chia thành bốn phần, (giống như bốn mùa trong năm). Mỗi phần được chia thành chương, mỗi chương là một đề tài được trình bày theo lối văn của Summa Theologica, nghĩa là: vấn nạn; thân bài; giải đáp.

    A. Phần thứ nhất gồm 17 chương, bàn về các hồng ân mà thánh Giuse đã lãnh nhận trước khi kết hôn với đức Maria.

    Trước hết (ch.1-2) tác giả phân tích sáu nhân đức dựa theo danh tánh ("danh là người") I.O.S.E.P.H., đó là: iustitita (công chính), oboedientia (vâng lời), sapientia (khôn ngoan), experientia (kinh nghiệm), patientia (nhẫn nhục), humilitas (khiêm nhường). Nên biết là tác giả không quên ý nghĩa của danh từ "Iôsef" trong Cựu ước có nghĩa là "Gia vê ban thêm" (Iehôsef, augmentum, dựa theo sách Sáng thế 30,24).

    Thêm vào đó là các "hồng ân": xứ sở (ch.3), dòng dõi (ch.4-8); sự thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ (ch.9-10). Theo tác giả, sự thánh thiện được ban nhằm đến chức vụ sẽ đảm nhận trong tương lai. Nếu ta chấp nhận được ông Giêrêmia và ông Gioan Tẩy giả được thánh hoá ngay từ lòng mẹ bởi vì họ được tuyển chọn làm tiên tri cho Ðấng Cứu thế sẽ đến, thì tại sao lại không thể nghĩ đến một đặc ân tương tự cho thánh Giuse là kẻ đã ẵm bế, che chở, nuôi dưỡng Chúa Kitô?

    Hai chương 11-12 bàn đến hồng ân duyên dáng (pulchritudo:đẹp trai?). Không thể nào hình dung một người luôn sống bên cạnh đức Giêsu và Mẹ Maria mà dung mạo xấu xí, già khụ! Người ta sẽ đàm tiếu chết! Sau khi nói đến ơn đồng trinh (ch.13-14), ơn nghề thợ mộc (ch.15), tác giả kết thúc phần thứ nhất với hồng ân các nhân đức trong cuộc đời thánh Giuse: khôn ngoan (prudentia), công chính (iustitita), đạo đức (pietas), thanh khiết, đầy tình mến thương, thanh bần (ch.16-17).

    B. Phần thứ hai, gồm 15 chương, bàn đến những hồng ân mà thánh Giuse nhận được sau khi hết hôn với Ðức Maria.

    Ðứng đầu là hồng ân được kết duyên với Ðức Maria (ch.1-2), rồi đến tuổi tác (ch.3) và các đức tính do cuộc hôn nhân: bảo vệ Ðức Maria và Hài nhi, dưỡng phụ đức Giêsu, ơn công chính (ch.4-5), ơn được chứng kiến cuộc gặp gỡ của đức Maria với bà Elisabeth (ch.6), được thiên sứ truyền tin (ch.7-8), được đức Maria yêu quý (ch.9), được thờ lạy Chúa giáng sinh (ch.10), được đặt tên cho Hài nhi (ch.11), được thiên thần năng hiện đến (ch.12), được sống kề bên Chúa Cứu thế và thánh mẫu (ch.13), được tìm thấy Hài nhi trong đền thánh (ch.14) và sau cùng là ơn mến Chúa Giêsu hết lòng (ch.15).

    Ðây là phần súc tích nhất về thần học, khi tác giả phải bảo vệ hôn nhân đích thực với Ðức Maria với thánh Giuse đồng thời với đức trinh khiết của hai vị.

    Nên biết là khi nói về tuổi tác vào lúc kết hôn, tác giả cho rằng thánh Giuse không trẻ lắm nhưng cũng không già lắm. Người thuộc tuổi trung niên, chín chắn, để có thể cáng đáng chức vụ dưỡng phụ Chúa Cứu thế.

    C. Trong phần thứ ba (22 chương), tác giả dành ra 9 chương đầu để đối chiếu thánh Giuse với những phúc lành (benedictiones) được Chúa ban cho các tổ phụ (Ađam, Noe, Giacop, Giuse, Balaam, Mosen).

    Hơn các thánh tổ phụ của Cựu ước, thánh Giuse còn được lãnh nhận các hồng ân thời Tân ước: ơn được lãnh bí tích rửa tội (ch.10), ơn thanh tịnh (ch.11), bảy ơn Chúa Thánh thần (ch.12), ơn bảy mối chân phúc (ch.13-16).

    Sau cùng, tác giả so sánh thánh Giuse với các thánh tông đồ, các ngôn sứ, thánh sử, mục tử (ch.17-22).

    D. Phần chót bàn về những ơn của thánh nhân khi chết và ơn được vinh hiển hồn xác trên trời.

    Tuy thú nhận là một vấn đề khó khăn, nhưng tác giả đã dành ra 10 chương để bàn về lúc từ trần (ch.1), về việc xuống ngục tổ tông (limbô, ch.2), về sự vinh quang cả hồn lẫn xác (ch.3), về ba triều thiên (tử đạo, đồng trinh, tiến sĩ, ch.4), và ơn các hoa trái (ch.5). Ba chương 6-8 bàn về lễ phụng vụ kính thánh Giuse. Chương 9 lược thuật tiểu sử thánh Giuse dựa theo bài đọc của phụng vụ Ðông phương (dịch từ tiếng Do thái sang tiếng latinh năm 1340), nơi mà thánh Giuse được kính hằng năm vào ngày 20 tháng 7. Chương chót kể lại phép lạ một người có lòng sùng kính thánh Giuse được thánh nhân đón tiếp vào thiên đàng.

    Kết luận là bài lễ phụng vụ (officium sancti Ioseph) do tác giả sọan và được đức Ađrianô VI châu phê. Như đã nói trên đây, từ năm 1508, Dòng Ðaminh đã mừng kính thánh Giuse trong lịch phụng vụ (inchoatio với tổng hội 1508, được xác nhận ở hai tổng hội 1513, 1515), nhưng các bản văn kinh nguyện lấy từ phần chung (Commune confessorum). Cha Isolano sọan thêm phần riêng. Xin nhắc lại là chúng ta đang ở vào năm 1522.

    Tất cả các sử gia đều nhìn nhận tác phẩm của cha Isolanô như nền tảng cho sự phát triển thần học về thánh Giuse , một thứ thần học đúng nghĩa, dựa trên Kinh thánh, các giáo phụ, các tiến sĩ Giáo hội, các luận cứ (chứ không phải theo truyền kỳ hay cảm tình ướt át.

    Ảnh hưởng của tác phẩm Summa de donis s. Ioseph sâu đậm trong Giáo hội. Ðiều này được chứng tỏ không những qua nhiều lần tái bản, mà nhất là qua những điều thỉnh nguyện mà tác giả bày tỏ về việc tôn vinh thánh Giuse (pars III, c.9; pars IV, cc.7.8) đã lần lượt được các Giáo hoàng chấp thuận.

    a) Năm 1621, đức Grêgôriô XV buộc toàn Hội thánh cử hành lễ thánh Giuse.

    b) Năm 1726 (19 tháng 12), đức Bênêđictô XIII ghi tên thánh Giuse vào kinh cầu các thánh (theo sau tên thánh Gioan tẩy giả).

    c) Năm 1870, đức Piô IX tôn thánh Giuse làm quan thầy của Hội thánh.

    Ngoài ra cũng nên thêm:

    - Vào ngày 15/8/1889, Ðức Lêô XIII ban hành thông điệp Quamquam pluries, văn kiện giáo huấn đầu tiên về thánh Giuse.

    - Ðức Piô XII thiết lập lễ thánh Giuse thợ, ngày 1/5/1955.

    - Ðức Gioan XXIII đặt công đồng Vaticanô II dưới sự bảo trợ của thánh Giuse (19/3/1961), và trong khoá họp thứ nhất, đã truyền ghi tên thánh Giuse vào Kinh nguyện thánh thể (13/11/1962).

    Ðể kết luận bài này, chúng ta hãy nhắc đến tông thư Redemptoris custos của đức Gioan Phaolô II, được ban hành ngày 15/8/1989 để kỷ niệm 100 năm thông điệp Quamquam pluries của đức Lêô XIII. Tuy toàn thể văn kiện dựa trên các bản văn Kinh thánh, nhưng Ðức Thánh Cha đã bổ túc với những lời chú giải của các giáo phụ (Irênêô, Gioan kim khẩu, Origène, Augustinô), và đặc biệt là với tư tưởng của thánh Tôma Aquinô (được trưng dẫn 4 lần). Vị Tiến sĩ thiên thần được coi như tổng hợp của truyền thống Kitô giáo về các chân lý căn bản liên can đến hôn nhân giữa thánh Giuse và đức Maria (số 15, Summa Theol. III, q.29, a.2), kèm theo các tác phẩm của thánh Augustinô. Ðặc biệt ở chương năm, "Ưu tiên của đời sống nội tâm", thánh Tôma được trưng dẫn 3 lần (số 38,39, 41), để trình bày:

    - khái niệm về lòng đạo đức (devotio: II-II, q.83, a.3, ad 2m), hệ tại tâm tình sẵn sàng phục vụ Chúa;

    - sự tiếp xúc với nhân tính đức Kitô dẫn đưa tới sự kết hiệp với thiên tính (III, q.8, a.1, ad 1m).

    - sự hài hoà giữa yêu sách của lòng quý chuộng chân lý (caritas veritatis) với yêu sách của công tác bác ái (necessitas caritatis), được thánh Tôma đề cập ở II-II, q.182, a.1, ad 3m. Nên biết đây là chỗ mà thánh Tôma bàn về ơn gọi Dòng Giảng thuyết, dung hoà giữa đời chiêm niệm và đời họat động (de comparatione vitae activae ad contemplativam). Nói thế có khác gì giới thiệu thánh Giuse như gương mẫu cho tu sĩ Ðaminh?

    Thánh Giuse đã tổng hợp cả chiêm niệm lẫn hoạt động, cả hai tập trung vào Ðức Kitô. Việc chiêm niệm Chân lý về thiên tính nơi đức Kitô đựa thánh nhân đến việc phục vụ nhân tính đức Kitô. Cả hai khía cạnh đều bộc lộ tình mến (cuối số 27). Trước đó, trong chương IV, Ðức Thánh Cha đã nhìn lao động như biểu hiệu của tình yêu (labor amoris testificatio).

    Phan Tấn Thành, OP



    HeoCon1103




Về Đầu Trang Go down
 

THÁNH GIUSE VÀ DÒNG ĐAMINH

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
 :: HẠNH CÁC THÁNH

-
free counters