Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ Sudieptutroi

 

 TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO HÀN MẠC TỬ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
cafe phuonglam
Cấp bậc
Cấp bậc


Giới tính : Nam
Tổng số bài gửi : 154
Điểm NHIỆT TÌNH : 486
Ngày tham gia : 20/01/2011
Job/hobbies : cải mộ

TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ Vide
Message reputation : 100% (1 vote)
Bài gửiTiêu đề: TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO HÀN MẠC TỬ   TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ EmptyMon Mar 07, 2011 10:16 am




    TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO
    HÀN MẠC TỬ
    TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ 12769201241258087

      Ngược dòng thời gian trở về với gia tài Văn Chương Việt Nam, người ta thấy vào thập niên 1930, một Phong Trào Thơ Mới đã xuất hiện trên thi đàn và đã mở ra một kỷ nguyên thơ tiến bộ phóng khoáng thay thế cho những vần thơ Ðường Luật cổ kính với những niêm luật khắt khe gò bó.

      Do ảnh hưởng của trào lưu thơ mới trong Văn Chương Pháp, những vần thơ mới đầy sáng tạo, chất chứa hồân thơ, phong phú đa dạng này đã thúc đẩy cả một phong trào sáng tác thơ mới trong dân gian. Trong đó xuất hiện nhiều nhà thơ tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử... Những tài năng thơ mới danh tiếng này đã thúc đẩy nền thi ca của dân tộc Việt bước vào những chặng đường mới đầy hoa thơm cỏ lạ...

      Từ trước đến nay trên thi đàn nước Việt, có lẽ không có nhà thơ Việt Nam nào, sau khi khi mất đã để lại cho hậu thế bao nhớ thương ngậm ngùi bằng nhà thơ Hàn Mạc Tử, vì qua cuộc sống quá ngắn ngủi của mình, nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh này đã chỉ có một giấc mộng duy nhất là làm thơ diễn tả và chia sẻ tình thương cho mọi người. Bằng chứng là gần đây nhà xuất bản Ðồng Nai tại Việt Nam đã viết: "Không ai nghi ngờ Hàn Mạc Tử là một hiện tượng nổi bật trong Văn học Việt Nam giữa thời kỳ thơ mới xuất hiện. Cho đến nay không ai đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mạc Tử. Người ta cũng không đong được những giòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc thương người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này!!"

      Hàn Mạc Tử là một Nhà Thơ Công Giáo Ðầu Tiên đã tiên phong đi tìm nguồn cảm hứng sáng tác trong nguồn mạc khải Thánh Kinh. Là một thi sĩ công giáo tài ba ông đã cảm nhận được những nét đẹp của tâm hồn, nhờ đó mới diễn tả hết được hồn thơ trong sáng qua các vần thơ siêu thoát vươn tới Chân Thiện Mỹ. Mặc dầu thời gian gần đây, đã có rất nhiều văn sĩ, thi sĩ, nhà phê bình văn học viết về Hàn Mạc Tử, như ông Võ Long Tê, một nhà văn học sử công giáo đã có công đầu truy tìm và phổ biến thơ Hàn MạcTử; nhà thơ Ðơn Phương đã viết tiếp để hoàn thành Quần Tiên Hội của Hàn Mạc Tử; linh mục Võ Tá Khanh, bút hiệu Trăng Thập Tự, đã tìm cảm hứng và đà tiến trong mạc khải Kinh Thánh như Hàn Mạc Tử, tuy nhiên trong dịp giỗ 60 năm (11 tháng 11, 2000 - 1940) ngày thi sĩ quá cố, chúng tôi xin được bày tỏ những tâm tình quý mến ngưỡng mộ trong bài viết: Tưởng Niệm Nhà Thơ Công Giáo Hàn Mạc Tử.

      Ðể tránh những ngộ nhận, chúng tôi xin thưa đây không phải là một bài viết phê bình thơ Hàn Mạc Tử, nhưng chỉ là một vài nét đan thanh về cuộc đời nhà thơ tài hoa cùng với những suy tư cá nhân, xin được coi như một nén hương kính viếng một thi sĩ không chỉ nổi danh về sự nghiệp thi ca mà còn được nhắc đến qua những mối tình dang dở. - Qua báo chí chúng tôi được biết một cuộc hội thảo lớn về nhà thơ Hàn Mạc Tử cũng được dự kiến tổ chức trong thời gian gần đây tại Bình Ðịnh nhân ngày mất của nhà thơ.
      VÀI NÉT TIỂU SỬ NHÀ THƠ CÔNG GIÁO HÀN MẠC TỬ.

      Phạm Xuân Tuyển, một nhà sưu khảo, đã cất công bỏ ra trên 30 năm trường miệt mài trong cuộc hành trình sưu tầm những tư liệu chính xác nhất của Hàn Mạc Tử. Là người thị xã Phan Thiết, nơi có lầu Ông Hoàng nổi tiếng mà nhà thơ đã sống, nơi có mối tình đầu lãng mạng trăng nước giữa nhà thơ với nàng Mộng Cầm, Phạm Xuân Tuyển đã góp nhặt từ chứng chỉ Rửa Tội, Thêm Sức, bằng Tiểu Học, hồ sơ nhập Trại Phong Quy Hòa, những bài thơ, những hình ảnh, những bản nhạc, nghĩa là tất cả những tư liệu liên quan tới nhà thơ tài hoa yểu mệnh, để hoàn thành một tác phẩm giá trị nổi tiếng "Ði Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử", dày 450 trang, đã được nhà xuất bản Văn Học, Việt Nam, phát hành năm 1998. - Với những tư liệu chính xác trên, chúng tôi xin ghi lại vài nét tiểu sử của nhà thơ quá cố mà rất nhiều người trong chúng ta trân trọng quý mến:

      Bé Nguyễn Trọng Tín, bút hiệu sau cùng Hàn Mạc Tử (con người của ngọn bút thỏi mực), đã cất tiếng khóc chào đời lúc 8 giờ sáng ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại nhà, bên bờ sông Nhật Lệ, làng Lệ Mỹ, thuộc Giáo xứ Tam Tòa, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Ðồng Hới (nay là tỉnh Quảng Bình).

      Thân Phụ cậu là ông Vinh Sơn Phaolô Nguyễn Văn Toản, sinh năm 1882, làm Thông Phán Thương Chánh tại Nhật Lệ, Ðồng Hới (1912), sau được bổ nhiệm Chánh Chủ Sự Thương Chánh tại Sa Kỳ, Quảng Ngãi.- Ông Nguyễn Văn Toản là trưởng nam cụ Phạm Bồi, người tỉnh Thanh Hóa, vốn gốc họ Phạm tộc, vì liên hệ tới Phong Trào Cần Vương kháng Pháp thất bại nên trốn vào lập nghiệp tại miền núi rừng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðể tránh rắc rối về lý lịch, cụ Phạm Bồi đổi họ cho con thành Nguyễn Văn Toản thay vì Phạm Toản. Thân phụ nhà thơ bị bạo bệnh qua đời tại Huế, năm 1926, hưởng dương 45 tuổi. Mộ phần an táng tại làng Dương Xuân Thượng, thôn Thượng Bốn, ấp Sơn Ðiền, xã Thủy Xuân, cách thành phố Huế 2 cây số.

      Thân mẫu cậu là bà Maria Nguyễn Thị Duy, sinh năm 1881, trong một gia đình công giáo danh tiếng thế giá. Là con gái cụ Nguyễn Long đã từng giữ chức Ngự Y triều vua Tự Ðức, gốc làng Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam nhưng sau này ra lập nghiệp tại làng Vạn Xuân (Kim Long), ngoại ô thành phố Huế. Thân mẫu nhà thơ qua đời năm 1951, hưởng thọ 70 tuổi, tại làng Gò Bồi, thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, cách thành phố Quy Nhơn 15 cây số. Thượng tuần tháng 7 năm 2000 vừa qua, các con cháu nội ngoại đã cải táng lấy hài cốt cha mẹ là ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy đưa về Nhà Thờ Núi thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

      Nhà thơ Hàn Mạc Tử là người con thứ tư trong một gia đình có 8 anh chị em: anh trai là Nguyễn Bá Nhân, hai chị là Nguyễn Thị Như Nghĩa, Nguyễn Thị Như Lễ và bốn em trai là Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Thảo. Vì là một nhà nho học, ông Nguyễn Văn Toản đã chọn Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín) của Ðức Khổng Tử để đặt tên cho các con với ước mong chúng sẽ bước theo vết chân của các bậc thánh hiền.

      Là một gia đình công giáo, theo luật Giáo Hội, sau khi sinh được 3 ngày, ngày 25 tháng 9, 1912, bé Nguyễn Trọng Trí được cha mẹ đưa đến nhà thờ Giáo xứ Tam Tòa, (thành lập năm 1885, sau biến cố Văn Thân), tỉnh Ðồng Hới, để được linh mục Phó xứ Giuse Trần Phan rửa tội, lấy tên thánh là Phanxicô Assisi, người đỡ đầu là ông Phanxicô Thông Hài, sổ rửa tội giáo xứ ghi số 437.- Nhưng mãi đến năm 1933, khi Hàn Mặc Tử lên 21 tuổi, mới được lãnh Thêm Sức tại nhà thờ Chánh Tòa Quy Nhơn với tên thánh Thêm Sức là Phanxicô Xaviê.

      Lớn lên bé Nguyễn Trọng Trí được khai tâm lớp vỡ lòng tại trường làng với các nữ tu Mến Thánh Giá Giáo xứ Tam Tòa. Năm lên 9 tuổi (1921), cậu cùng với gia đình theo cha di chuyển đến nhiệm sở mới tại Bồng Sơn, Quy Nhơn, rồi từ Quy Nhơn đến định cư tại Sa Kỳ, Quảng Ngãi. Lúc đó Nguyễn Trọng Trí lên 12 tuổi theo học lớp ba tại Quảng Ngãi. Một cái tang lớn xảy đến cho gia đình, tháng 7 năm 1926, đang lúc giữ chức vụ Chánh Chủ Sự Thương Chánh Sa Kỳ, Quảng Ngãi, thân phụ cậu là ông Vinh Sơn Phaolô Nguyễn Văn Toản đột ngột qua đời vì bạo bệnh.

      Sau cái chết của người chồng và người cha thân yêu, bà Nguyễn Thị Duy đưa gia đình vào Quy Nhơn chung sống với người con trai trưởng là ông Nguyễn Bá Nhân, lúc đó đang làm công chức Sở Cầu Ðường. Thời gian này, Hàn Mạc Tử bắt đầu làm thơ Ðường Luật xướng họa với anh cả Nguyễn Bá Nhân, bút hiệu Mộng Châu. Còn Hàn MạcTử tự đặt bút hiệu đầu tiên cho mình là Minh Duệ Thị. Tài năng thơ của Hàn Mạc Tử được người anh cả phát hiện từ sớm và luôn cổ võ em tiếp tục vun bồi phát triển.

      Năm lên 16 tuổi (1928), vì đặc biệt quan tâm đến việc học của người con cưng, Hàn Mạc Tử được người mẹ chắt chiu gửi con ra thành phố Huế theo học trường Trung Tiểu Học Pellerin, một trường công giáo nổi tiếng thời đó vì kỷ luật nghiêm minh và học tập tấn tới do các Sư Huynh Dòng Lasan phụ trách. - Năm 1930, Hàn Mạc Tử trở về Quy Nhơn được Giải Nhất trong một cuộc thi thơ do một Thi Xã tổ chức và lấy bút hiệu Lệ Thanh và Phong Trần. Thời gian này, cả nước hướng về cụ Phan Bội Châu, một nhà cách mạng, một nhà chí sĩ yêu chuộng tự do đang tranh đấu cho dân tộc, bị người Pháp chỉ định cư trú tại Bến Ngự, thành phố Huế. Cụ Phan tổ chức "Mộng Du Thi Xã" với những cuộc thi thơ, bình thơ và dĩ nhiên thơ của nhà thơ trẻ Hàn Mạc Tử được cụ Phan khen ngợi và còn họa lại trên báo. Hàn Mạc Tử bắt đầu nổi tiếng từ đây...

      Theo tác phẩm "Hàn Mạc Tử Anh Tôi" (Nhà xuất bản Văn Nghệ, Sàigòn, 1991), tác giả là ông Nguyễn Bá Tín, em trai nhà thơ, tiết lộ thì một biến cố bất ngờ đã ghi sâu trong suốt cuộc đời anh của ông. Trong một lần hai anh em tắm biển, anh ông sắp bị chết đuối! Từ biến cố này về sau, Hàn Mặc Tử rất sợ nước, ít khi tắm giặt! Và lúc trưởng thành, kỷ niệm sợ hãi thời niên thiếu này được diễn tả qua những dòng thơ bất hủ với hồn thơ nồng nàn tha thiết nguyện cầu trong thi phẩm "Ave Maria".

      Năm 20 tuổi (1932), Hàn Mạc Tử làm thư ký công nhật Sở Ðạc Ðiền Quy Nhơn, dưới quyền thân phụ người yêu Kim Cúc là Thương Tá Hoàng Phùng. Anh thường xuyên lui tới hội quán do linh mục Paul André Maheu (tên Việt là cố Mỹ) sáng lập cùng với ấn quán và bán nguyệt san Lời Thăm. Thời đó Hàn Mạc Tử yêu Hoàng Thị Kim Cúc, quen nhà thơ Quách Tấn, thường lên chơi thành phố Ðà Lạt. - Thi phẩm "Ðà Lạt Trăng Mờ " nổi tiếng được sáng tác trong thời gian này.Vì là một nhà thơ tài hoa, anh cũng được mời làm giám khảo trong một cuộc thi thơ tại trường Quốc Học Quy Nhơn.

      Năm 22 tuổi (1934), Hàn Mặc Tử theo Thúc Tề vào Thủ Ðô Sài Gòn bước chân vào làng báo, trọ tại số 107 đường Espagne (Lê Thánh Tôn hiện nay). Anh viết báo, làm thơ, lấy rất nhiều bút hiệu. Cuộc đời đem đến cho anh nhiều thành công, tình yêu, bạn bè nhưng cũng nhiều thiếu thốn, gian khổ! Thơ và Tình đến với anh cùng một lượt! Thời gian này anh được nhật báo Sài Gòn, một tờ báo tương đối có nhiều độc giả vào những năm 1934 - 1935 trao cho giữ mục văn chương thi phú. Sau đó anh chủ trương tờ Công Luận Văn Chương, viết cho các báo Tân Thời, Trong Khuê Phòng.. Một lần nữa, anh lại đổi bút hiệu là Hàn Mạc Tử, đây là bút hiệu cuối cùng để rồi trở thành bất tử trong thi giới Việt Nam. Thời gian này anh vẫn thư từ liên lạc và xướng họa thi ca với người yêu Mộng Cầm tại Phan Thiết.

      Năm 24 tuổi (1936), Hàn Mặc Tử cảm thấy sức khỏe ngày càng sa sút, tuy chưa xác định bệnh phong, anh trở về Quy Nhơn, vào Tuy Hòa, xin tiền người anh cả ấn hành tập thơ đầu tay Gái Queâ. Năm 1937, anh hợp tác với Nguyễn Minh Vỹ, Hoàng Diệp, chủ biên tập san Nắng Xuân và cùng với nhà thơ Chế Lan Viên thành lập Trường Thơ Loạn. - Lại một cái tang lớn đột ngột xảy đến với gia đình, người anh cả là ông Nguyễn Bá Nhân qua đời vì tai nạn xe hơi!- Sau khi xác nhận bị hệnh phong, anh tự cô lập không tiếp xúc với bất cứ ai, ngay cả người yêu, nữ sĩ Mai Ðình tức Mai Thị Lệ Kiều, đến thăm nhiều lần và tình nguyện ở lại nhà săn sóc nhưng anh chỉ gặp đôi ba lần!

      Trong những năm 1937 - 1938, anh được gia đình âm thầm gửi đi lánh bệnh nhiều nơi trong tỉnh Bình Ðịnh: Xóm Ðộng, Xóm Tấn, Gò Bồi, Ghềnh Ráng, nhiều nơi chỉ là những túp lều chơi vơi trống trải ngoài đồng hoang vắng!! Bệnh càng tăng, đau khổ càng chồng chất, anh càng sáng tác rất nhiều tập thơ, nổi tiếng nhất là bài: "Ở Ðây Thôn Vỹ Dạ" để tặng người yêu Kim Cúc. Anh cũng viết đề bạt tập thơ Một Tấm Lòng của Quách Tấn, đề tựa tập thơ Tinh Huyết cho nữ sĩ Bích Khê, viết giới thiệu tập thơ Xác Thu của Hoàng Diệp. Thời gian này Trần Thanh Ðịch, em nhà phê bìnhTrần Thanh Mại, giới thiệu một nữ sinh Ðồng Khánh Huế là Thương Thương, anh đã sáng tác rất nhiều tập thơ: Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ, Quần Tiên Hội để tặng nàng.

      Ngày 8 tháng 9, 1940, vì không thể lánh bệnh mãi nơi này nơi khác, gia đình buộc lòng đưa anh vào bệnh viện Quy Nhơn được một bác sĩ người Pháp khám bệnh. Vào một buổi sáng ngày 20 tháng 9, 1940, gia đình xin cho anh được nhập Trại Phong Quy Hòa, hồ sơ mang số thứ tự 1134, dưới thời Mẹ Nhất người Pháp, nữ tu Maria Juetta (tục danh Jolande Leroy, qua đời ngày 27 tháng 8, 1989 tại Do Thái). - Trại Phong Quy Hòa tọa lạc phía Nam Thành Phố Quy Nhơn lối 7 cây số, do linh mục người Pháp Paul André Maheu, dòng Thừa Sai Truyền Giáo Ba Lê, thành lập năm 1929. Có người còn gọi trại Phong Quy Hòa là "Thung Lũng Tình Thương" hay "Thung Lũng Ngàn Hoa", cha Maheu trao cho các nữ tu Mến Thánh Giá Gò Thị phụ trách. Năm 1932, các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ tình nguyện đến phục vụ các bệnh nhân phong cho đến nay.

      Sau 52 ngày được các nữ tu, đăïc biệt sơ Julienne và Mẹ Nhất Maria Juetta, tận tình săn sóc, cùng một người bạn thân đồng bệnh đồng đạo người Huế, ông Nguyễn Văn Xê, giúp đỡ, nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử đã nhẹ nhàng tắt thở lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, 1940, hưởng dương 28 tuổi. Theo bác sĩ, bệnh nhân không chết vì bệnh phong nan y, mà vì uống thuốc có quá nhiều độc tố cao sinh kiết lỵ!! Lúc 14 giờ chiều cùng ngày, thi hài anh được tẩm liệm trong một quan tài thô sơ bằøng gỗ ván cây gòn. Ðúng 14 giờ 30, sáu anh chị em giáo dân tiễn đưa anh lên nguyện đường trại. Trước một quan tài phủ một tấm màn đen, cha Cận cử hành những nghi lễ cuối cùng tiễn đưa anh trong bầu khí buồn thảm thương tiếc. Những tiếng hát kinh cầu hồn hòa lẫn với những tiếng chuông nguyện đường đổ từng giọt buồn đưa tiễn nhà thơ trẻ tuổi tài hoa về bên kia thế giới. Anh là bệnh nhân đầu tiên được an táng tại nghĩa trang Quy Hòa chỉ cách trại 200 mét.

      Sau khi nhà thơ qua đời 19 năm, ngày 13 tháng 2, 1959 gia đình và người bạn thơ Quách Tấn xin cải táng đưa về an táng tại Ghềnh Ráng, thành phố biển Quy Nhơn. Mộ phần được kiến trúc hình chữ nhật. Trước mộ là một cây thánh giá lớn bằng xi măng cao 0 m 50. Trên đầu bia mộ là tượng Ðức Mẹ Maria hai tay giang rộng mắt nhìn xuống mộ, vì trước khi chết Hàn Mặc Tử ước mong được một lần trong đời đến kính viếng Ðức Mẹ tại thánh địa La Vang Quảng Trị nhưng không thực hiện được!! Bước lên ba bậc tam cấp, hiện nay du khách có thể nhìn thấy trên tấm bia ghi rõ tên thánh, họ và tên nhà thơ, ngày sinh và ngày tử cùng tên cha mẹ và anh chị em lập bia mộ. Năm 1991, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường) cùng một số anh chị em nghệ sĩ trong nước đã bảo trợ kinh phí, để ban Giám Ðốc trại phong Quy Hòa xây một đài Tưởng Niệm nơi nhà thơ được an táng đầu tiên tại "Khe Nước Ngọc" nghĩa trang Quy Hòa và một Phòng Lưu Niệm Hàn Mạc Tử cũng được thiết lập ngay tại địa điểm mà nhà thơ đã trút hơi thở cuối đời.
      TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ Mo_han_ma_tu
      TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO HÀN MẠC TỬ.

      Trong tác phẩm Danh Nhân Tự Ðiển (nhà xuất bản Xuân Thu Sàigòn 1966), Giáo sư Trịnh Vân Thanh sau khi trình bày tiểu sử và thi văn nhà thơ Hàn Mạc Tử đã nhận định: "Nhiều người thường cho Hàn Mạc Tử là một nhà thơ lãng mạn trữ tình. Nhưng đích thực ông là một thiên tài hiếm có trong Phong Trào Thơ Mới Việt Nam... Từ một hiện tại lành mạnh, một người trai giang hồ đi ngao du Nam Bắc tới một hiện tại đau ốm, một bệnh nhân phong, một phế nhân nằm yên một chỗ chờ chết, Hàn Mạc Tử đã tìm cho đời mình một hướng đi, một con đường đi vào Vĩnh Cửu.. Lời thơ của Hàn Mạc Tử không phải chỉ là tiếng nói của một con người văn nghệ thời đại, nhưng trên bình diện con người, ông chính là một thi sĩ mà các thế hệ bây giờ cũng như sau này không thể nào quên được."

      Nếu đề cập đến thơ mới Việt Nam, bất cứ một nhà văn học sử nào cũng không thể quên không nhắc đến Hàn Mạc Tử, vì ông chính là một tài hoa sáng chói trong thi ca Việt Nam. Mặc dầu cuộc sống của ông chỉ kéo dài 28 xuân xanh nhưng ông đã bắt đầu làm thơ từ năm 14 tuổi. Và sau khi mất đã để lại cho hậu thế những thi phẩm nổi tiếng với những cảm hứng dạt dào tình thương pha lẫn khắc khoải, máu và nước mắt.

      Trong hoàn cảnh đất nước nghèo như Việt Nam, rất hiếm có trường hợp chỉ 2 năm sau khi nhà thơ mất, khi nhà phê bình Trần Thanh Mại ra mắt tác phẩm: Hàn Mạc Tử - Thân Thế và Thi Văn (Nxb Rạng Ðông Hà Nội 1942 - Nxb Tân Việt SàiGòn tái bản 1957) là bắt đầu cả một phong trào tìm đọc thơ của Hàn Mạc Tử, nhất là đối với giớí trẻ thời đó. Từ đó đến nay, Hàn Mạc Tử vẫn là đề tài được rất nhiều văn sĩ, thi sĩ, nhà phê bình đề cập đến như một chủ đề bất tận! Thời gian qua, biết bao tác phẩm, đăïc san, bài báo đã viết về ông, đặc biệt từ năm 1998 đến nay, sau khi cuốn Ði Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, một công trình sưu khảo công phu giá trị do ông Phạm Xuân Tuyển phát hành.

      Năm nay, ngày 11 tháng 11, 2000, kỷ niệm 60 năm (1940 - 2000) ngày mất của Hàn Mạc Tử, rất nhiều tổ chức văn hóa trong và ngoài nước sẽ tổ chức những cuộc hội thảo, những buổi lễ kỷ niệm để tưởng niệm nhà thơ tài hoa đoản mệnh này. Ðể bổ túc cho những nét tiểu sử trình bày trên đây, chúng tôi xin được ghi lại một vài khía cạnh trong cuộc đời ông dưới đây.
      Những Ngày Cuối Ðời của Hàn Mạc Tử:

      Không một người nào biết rất rõ những gì xảy ra trong 52 ngày cuối đời của nhà thơ Hàn MạcTử bằng ông Rôcô Nguyễn Văn Xê.Với nhà thơ, ông là một người đồng bệnh, đồng đạo, một người bạn tri kỷ đã tận tình giúp đỡ hết mình. Sau khi nhà thơ mất, ông được di chuyển vào Nam mất ngày 8 tháng 3, 1995 tại trại phong Bến Sắn, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong một cuộc phỏng vấn trước khi mất, ông Nguyễn Văn Xê đã kể cho nhà sưu khảo Nguyễn Xuân Tuyển những chi tiết trong những ngày cuối đời nhà thơ như sau: (Trích Ði Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử).

      "Ngày 20 tháng 9, 1940, Trí nhập trại phong Quy Hòa, thời Mẹ Maria Juetta. Sau ba tuần, nhờ sự chăm sóc tận tụy của các nữ tu dòng Phan Sinh (Franciscaine), bệnh tình Trí thuyên giảm.. Từ tuần lễ thứ tư, sinh hoạt của Trí đều đều như kinh Nhật Tụng: 5 giờ sáng dậy đi nhà nguyện đọc kinh, sốt sắng dâng lễ, rước lễ -- 7 giờ cùng anh em bệnh nhân dùng điểm tâm cháo trắng với đường tán đen -- 8 giờ được băng bó, uống thuốc hoặc chuyện vãn với anh em đồng bệnh -- 11 giờ cơm trưa rồi nghỉ ngơi -- 14 giờ 30 lên nhà nguyện đọc kinh lần hạt đến 17 giờ dùng cơm chiều. " (xem ÐTCDHMT trg 35).

      Có lần Trí còn tâm sự: "Tôi đến Quy Hòa này là nơi có bãi biển, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là Tình Người nên tôi được hưởng sự bình an của nội tâm, cái thanh tao của nguồn vui tưởng như đã chết trong tôi khi sống ở Xóm Tấn đầy đau khổ, nghèo nàn, cô đơn, không một ai đến an ủi săn sóc dù là người thân quyến.."

      "Trí là một người rất sùng kính Ðức Mẹ Maria, lúc nào cũng cầu xin Ðức Mẹ và thứ bảy nào cũng xưng tội"..

      Trưa ngày 30 tháng 10, 1940, khi đọc kinh tại nhà nguyện về Trí hỏi tôi: "Anh Xê có đến La Vang đi kiệu Ðức Mẹ lần nào chưa? Trí lộ vẻ mặt buồn buồn nói: Từ ngày có bệnh tôi ao ước có một lần trong đời kính viếng Ðức Mẹ La Vang... Lúc này tôi lại càng vô cùng ao ước được quỳ gối dưới chân Mẹ La Vang xin Người tha thứ tội lỗi "...

      "Suốt hơn một tuần, từ 30 tháng 10, 1940 đến 7 tháng 11, 1940, Trí bị bệnh kiết lỵ nặng nên mất sức!! Ðêm ngày 8 tháng 11, 1940 Trí lấy hai tập giấy pelure, dùng bút chì cùn trong áo veston sáng tác bài thơ cuối cùng La Pureté de l' Âme (Tâm Hồn Thanh Khiết) để ca tụng Ðức Maria cùng các bà mẹ dưới đất là thân mẫu và các nữ tu Phan Sinh đã săn sóc Trí. Ðây là bút tích cuối đời của Trí."

      "Chiều 9 tháng 11, 1940, Trí xưng tội lúc 16 giờ 30. Sáng ngày 10 tháng 11, 1940, lúc 6giờ 45 Cha Tuyên Úy cho Trí chịu phép Xức Dầu bệnh nhân và rước lễ lần cuối.. Ðêm đó tôi (ông Xê) trực canh chừng Trí. Mẹ Nhất Juetta và sơ Julienne đến thăm Trí ba lần trong đêm. Lúc ba giờ sáng, sơ Julienne cho biết Trí khó lòng qua khỏi! Thời gian của đêm nay đối với tôi như chùng hẳn xuống. Tôi nhìn Trí, ngoài những lúc đau bệnh, Trí khi quỳ, lúc ngồi, khi nằm, trên tay lúc nào cũng cầm chuỗi hạt đọc kinh cho đến lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, 1940 thì Trí nhẹ nhàng tắt thở một cách êm ái "(Xem ÐTCDHMT trg 36 - 38).
      Những Người Tình của Nhà Thơ Hàn Mạc Tử:

      Hàn Mạc Tử dời ghế trường Trung Tiểu Học Pellerin Huế để bước vào đời ở tuổi 18 (1930) và trút hơi thở cuối cùng khi chưa tròn 28 tuổi (1940)! Vì thế thời gian va chạm với đời của nhà thơ chỉ kéo dài chưa tới 10 năm! Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Hàn MạcTử đã mất hơn 4 năm vật lộn với chứng bệnh phong nan y, kể từ tháng 10 năm 1936 tới ngày 11 tháng 11, 1940 là ngày nhà thơ qua đời.

      Dù sự hiện diện của nhà thơ trên cõi đời chỉ như gió thoảng mây bay như hương hoa trong khoảng khắc, nhưng đã lưu lại những dấu vết bất tử theo thời gian và đã làm sống mãi bên cạnh tên tuổi ông, hình ảnh những người con gái đã trở thành quen thuộc với mọi người. Nếu Mộng Cầm, Kim Cúc, Thương Thương được kể là nguồn thi hứng tuyệt vời để nhà thơ tạo nên những vần thơ kỳ diệu trong lâu đài thi ca lãng mạn thì mối tình ông dành cho Mai Ðình, tức Mai Thị Lệ Kiều, luôn khơi dậy những tâm tình vừa trân trọng vừa xót thương, đồng thời cũng góp cho làng thơ mới Việt Nam một nhà thơ nữ.

      Theo các tài liệu sưu khảo văn học thì ngoài hàng trăm hàng ngàn độc giả say mê những vần thơ trữ tình lãng mạn của ông được phổ biến trên báo chí, có rất nhiều người tình đã đi qua cuộc đời của nhà thơ Hàn MạcTử và ông đã đổ biết bao máu lệ để tặng cho họ những vần thơ. Trong số 9 người tình mà hầu hết hiện nay còn sống, ông chỉ gặp 4 người (Mộng Cầm, Kim Cúc, Mai Ðình, Thương Thương), còn 5 người kia chỉ nghe tên nhưng cũng trao đổi thư từ làm thơ tặng riêng mỗi người:

      Tặng Mộng Cầm:

      Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
      Nhớ thương còn một nắm xương thôi. (Muôn Năm Sầu Thảm).

      Tặng Kim Cúc:

      Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
      Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương. (Hồn Cúc).

      Tặng Mai Ðình:

      Quý như vàng, trọng như ngọc trên đời
      Mai, Mai, Mai là Nguyệt Nga giáng thế. (Thắm Thiết).

      Tặng Thương Thương:

      Bây giờ đây khóc than niềm ly hận
      Hỡi Thương Thương, người ngọc của lòng anh.(Kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ).

      Tặng Ngọc Sương:

      Ta đề chữ Ngọc trên tàu chuối
      Sương ở Cung Thiềm giỏ chẳng thôi. (Người Ngọc).

      Tặng Thanh Huy:

      Thanh Huy hỡi! Nàng chưa là châu báu
      Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ. (Bức Thư Xanh).

      Tặng Thu Yến:

      Chị ấy năm nay còn gánh thóc
      Dọc bờ sông trắng nắng chang chang. (Mùa Xuân Chín).

      Tặng Mỹ Thiện:

      Ðêm qua trăng vướng trên cành trúc
      Cô láng giềng bên chết thiệt rồi. (Cô Gái Ðồng Trinh).

      Tặng Thu Haø:

      Chút tình bến cũ còn đeo đẳng
      Hụt chuyến đò đưa nghĩ nghẹn ngào. (Bước Giang Hồ).

      Nàng Mộng Cầm là mối tình đầu của nhà thơ khi hai người gặp gỡ nhau tại thị xã Phan Thiết và Quy Nhơn. Hai người thề nguyền gắn bó keo sơn, cùng nhau xướng họa thi văn, đưa nhau đi viếng thắng cảnh như lầu Ông Hoàng và hẹn hò trăm năm bền chặt sắt cầm. Nhưng 6 tháng sau khi Hàn MạcTử lâm bệnh, Mộng Cầm đã đi lấy chồng! Còn gì đớn đau cho nhà thơ đang lúc bệnh hoạn hành hạ thì người yêu lại vội sang ngang! Tất cả nỗi ai oán chất chứa trong tâm hồn được nhà thơ giãi bày trong hai vần thơ bất hủ được người đời truyền tụng cho đến nay:

      "Làm sao giết được người trong mộng,
      Ðể trả thù duyên kiếp phũ phàng."

      Về sau nhà thơ đã tìm cái say túy lúy để vơi bớt nỗi sầu và thường đến tận lầu Ông Hoàng để tìm lại dấu vết người xưa, nơi lưu luyến những kỷ niệm thuở ban đầu!! Chính vì những chi tiết này, hiện nay các đoàn du lịch trong và ngoài nước đến Phan Thiết viếng thăm lầu Ông Hoàng thường được các hướng dẫn viên du lịch kể lại mối tình dang dở thơ mộng của Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm.

      Trong các người tình của Hàn Mạc Tử, có lẽ không ai yêu nhà thơ tha thiết bằng nữ sĩ Mai Ðình. Tên thật nàng là Mai Thị Lệ Kiều, sinh năm 1916 tại Nông Cống, Thanh Hóa,thuộcdòng đạo Phật.Thân phụ nàng là một vị quan bảo thủ ép nàng lấy một người mà nàng không yêu! Lúc18 tuổi nàng bắt đầu làm thơ, đọc báo Sài gòn thời ấy càng đam mê thơ Hàn MạcTử, bút hiệu Lệ Thanh. Nàng thường gửi những bài thơ ký tên Lệ Kiều xin nhà thơ sửa và đăng báo. Từ đó tình thơ bắt đầu chớm nở. Thân phụ nàng biết được theo dõi cấm đoán, nàng đổi tên là Mai Ðình (Hoa Mai + Ðình Chùa). Cuộc trao đổi thư từ giữa hai người tiếp diễn đều đặn...

      Nghe tin nhà thơ bị bệnh, ba lần Mai Ðình đến thăm tại số 20 đường Khải Ðịnh, Quy Nhơn nhưng không được gặp!! Tuy vậy nàng không thất vọng viết thư cho biết nàng không sợ sự tàn phá của chứng bệnh nguy hiểm trên thân xác người yêu. Mẹ chàng giấu kín Hàn Mac Tử tại một nơi hoang vu hẻo lánh trên bãi cát tha ma Gò Bồi. Cuối cùng theo lời khuyên của người mẹ,Mai Ðình được Hàn MạcTử tiếp với điều kiện nàng phải bịt kín đôi mắt và trong khi nói chuyện không được nhìn trộm!! Chàng ngâm thơ cho nàng nghe. Cả hai cùng bùi ngùi xúc động. Hàn Mạc Tử nghẹn lời còn Mai Ðình khóc lóc nức nở. Nàng nói sẽ nhớ mãi những kỷ niệm mà nàng cho là quý nhất trong đời nàng. Về nhà có bao nhiêu vốn liếng tư trang, nàng bán đi lấy tiền gửi bà mẹ Hàn Mạc Tử góp phần săn sóc cho người yêu. Sau này về thăm mộ nhà thơ, nữ sĩ Mai Ðình đã viết những vần thơ nức nở:

      " Bên anh, xin Chúa cho xây mãi
      Nấm mồ thương nhớ, khổ thương đau
      Hình anh, em khắc trong tim
      Cho mai trắng nở quanh viền mộ anh."

      Mộng Cầm, Mai Ðình, Kim Cúc đã đi qua cuộc đời Hàn Mạc Tử, nhưng hình ảnh sâu đậm trong trắng đã khơi nguồn thơ vô tận cho chàng thi sĩ đào hoa bệnh hoạn này lại chính là nàng Thương Thương, người mà Trần Thanh Ðịch, em ông Trần Thanh Mại, giới thiệu với thi sĩ và nói rằng đó là một cô gái Huế yêu kiều mảnh mai. Nhưng kỳ thực đó chỉ là cô cháu của ông mới chỉ 12 tuổi! Nhưng Hàn Mạc Tử cứ tin là thật và trong những lá thư gửi Thương Thương, chàng đã xác nhận tất cả sự nghiệp văn học của chàng mai sau nếu có, chính là nhờ vào sự đóng góp nguồn thơ của Thương Thương. Quả thật nàng đã trở thành nguồn cảm hứng cho Hàn Mạc Tử yêu đời sáng tác nhiều tập thơ như Cẩm Châu Duyên và hai kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội.
      Những Tác Phẩm của Hàn Mạc Tử.

      Hàn Mạc Tử bắt đầu làm thơ Ðường Luật năm 14 tuổi (1926) xướng họa thi ca với anh cả Nguyễn Bá Nhân. Năm 18 tuổi (1930) tham dự bình thơ, thi thơ với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng thực sự mãi tới năm 22 tuổi (1934) khi bước vào làng báo Sàigòn, phụ trách các nhật báo Sàigòn, Tân Thời, chủ trương tờ Công Luận Văn Chương, tài năng và hồn thơ của chàng mới phát triển dồi dào và tạo uy tín trong làng thơ làng báo. Hiện nay, người ta ghi nhận Hàn MạcTử đã đóng góp cho Văn HọcViệt Nam những tác phẩm dưới đây:

      Lệ Thanh Thi Tập: Thơ Ðường Luật đăng rải rắc trên các báo.

      Gái Quê: Tập thơ mới đầu tay phát hành năm 1936, nhà thơ Phạm Văn Ký viết tựa.

      Ðau Thương (Thơ Ðiên): phát hành 1937, gồm 50 bài hoàn thành trên giường bệnh.

      Tập Thơ Mới Xuân Như Ý.

      Tập Thơ Mới Thượng Thanh Khí.

      Kịch Thơ: Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội (đang viết dở dang).

      Chơi Giữa Mùa Trăng (Thơ và Văn Xuôi).

      Bút tích cuối đời là bài văn viết bằng tiếng Pháp với cây bút chì cùn nhan đề: La Pureté de l'Âme (Tâm Hồn Thanh Khiết) để ca tụng Ðức Mẹ Maria và các bà mẹ dưới trần.

      Trong cuốn Ði Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển cho biết: "Khi ông Nguyễn Văn Xê đưa Mẹ Nhất Maria Juetta, người Pháp, đọc bài viết này, Mẹ Juetta nói: Giỏi quá, uổng quá, Hàn Mạc Tử là một thiên tài hiếm có! Nhưng Mẹ xin phép tác giả đổi chữ " nénuphards" (hoa súng) thay cho chữ "lotus" (hoa sen) vì cuộc đời tu sĩ của chúng tôi tại đây với các bệnh nhân phong, chính là những bông hoa súng lên xuống theo con nước và bập bềnh trôi nổi như mọi vật trong hồ, chứ không dám tự nhận mình như những bông hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

      Xin ghi lại đây một bài thơ tiêu biểu "Ở Ðây Thôn Vỹ Giạ" của Hàn Mạc Tử và mời quý độc giả thưởng thức:
      TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ 4ae7ca3

      Sao anh không về chơi thôn Vỹ
      Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
      Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
      Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

      Gió theo lối gió mây đường mây
      Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
      Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
      Có chở trăng về kịp tối nay.

      Mơ khách đường xa khách đường xa
      Áo em trắng quá nhìn không ra
      Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
      Ai biết tình ai có đậm đà. (trích Ðau Thương, 1939)
      NÉT CÔNG GIÁO TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ.

      Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, trong bộ Nhà Văn Hiện Ðại, tập III, khi nhận định về Nhà Thơ Hàn Mạc Tử đã viết: "Hàn Mạc Tử có lẽ là người Việt Nam đầu tiên làm thơ ca ngợi Thánh Nữ Ðồng Trinh Maria và Chúa Giêsu. Ông ca tụng đạo Công Giáo với một giọng rất chân thành. Ðây là lần đầu tiên thi ca Việt Nam thấy được một nguồn cảm hứng mới. Tôi dám chắc rồi đây sẽ còn nhiều thi sĩ Việt Nam đi tìm nguồn cảm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca Việt Nam vào con đường triết học."

      Nhà nghiên cứu Võ Long Tê, hiện sống tại Canada, trong đoạn kết bài Thi Hào Công Giáo Hàn Mạc Tử cũng viết: "Nghiên cứu Hàn Mạc Tử đã dẫn ông đến một kết luận thú vị bất ngờ. Trong Hàn Mạc Tử, không phải chỉ có một tác giả được thừa nhận như một thi hào mà còn có một con người sống với Niềm Tin Công Giáo nhiệt thành. Ðối với Hàn Mạc Tử, làm thơ là Làm Người nghĩa là Sống Ðạo."

      Quả thật, với bất cứ ai đọc thơ Hàn Mạc Tử, người ta thấy Ðạo đối với ông chính là cứu cánh, là con đường, là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối có giá trị vĩnh hằng mà nhân loại mãi mãi tìm kiếm, mãi mãi khắc khoải trong cuộc hành trình vào đời. Với Hàn Mạc Tử, thơ là một nét nghệ thuật cao đi vào chủ nghĩa siêu linh, là cõi xuất thế, là bến trăng sao an toàn cho con người ẩn náu khi sống trong tuyệt vọng khổ đau, trong cô đơn của nhân tình thế thái. - Không ai có thể phủ nhận nét Công Giáo trong thơ Hàn Mạc Tử, vì chính ông đã mở rộng biên giới thi ca Việt Nam nhờ những sáng tạo độc đáo, mà nền giáo dục công giáo từ cha mẹ, gia đình, trường Pellerin và gương sống các nữ tu Phan Sinh đã hun đúc hồn thơ của ông. Trong những ngày cuối đời, Hàn Mạc Tử đã sống như một nhà tu thực sự, cuộc sống chìm lặng trong câu kinh, lời nguyện pha lẫn với những đớn đau do bệnh phong hành hạ. Chính nhà thơ đã thổ lộ: "Trong những ngày cuối đời, tôi chỉ biết ngâm thơ và cầu nguyện là nhiều hơn cả."

      Hàn Mạc Tử đã sống với thế giới siêu linh một cách tự nhiên đến mức "hư thực làm sao phân biệt nổi". Nhờ đó thi nhân đã nghe được điều chúng ta không nghe, đã thấy được cái mà mắt trần chúng ta không thấy. Thi nhân đã lặng chìm vào trăng sao, đắm đuối trong êm ả của sông Ngân, tan biến trong Tình Yêu bao la huyền nhiệm của Thượng Ðế. - Trong trường ca Ðà Lạt Trăng Mờ, phải chăng nhạc sĩ Pham Duy đã nắm bắt được hồân thơ Hàn Mạc Tử. Trong thi phẩm Ðà Lạt Trăng Mờ được ông phổ nhạc thành trường ca bất hủ, Phạm Duy đã để cho hát ba lần dòng nhạc:"Ðây phút thiêng liêng đã khởi đầu" với những âm thanh vời vợi mông lung huyền nhiệm. Linh thiêng làm sao một đêm Ðà Lạt Trăng Mờ huyền ảo:


      Cả trời say nhuộm một màu trăng
      Và cả lòng tôi chẳng nói chẳng rằng
      Không một tiếng gì nghe đụng chạm
      Dầu là tiếng vỡ của sao băng.

      Cứ thế, tiếp tục đọc những vần thơ cao sang thanh khiết của Hàn Mạc Tử trong các thi phẩm: Ra Ðời, Ðiềm Lạ, Nguồn Thơm, Xuân Ðầu Tiên, Ðêm Xuân Cầu Nguyện, Ngoài Vũ Trụ, Vầng Trăng... trong tinh thần tôn giáo, tâm hồn con người sẽ được cất cánh bay cao lên với trăng sao, ngào ngạt hương hoa, mặc dầu thân xác bệnh hoạn, đau thương dồn dập giữa những thăng trầm của cuộc sống.

      Thật là một thiếu sót lớn lao, nếu muốn tìm hiểu nét Công Giáo trong thơ Hàn Mạc Tử, mà chúng ta quên không đề cập đến thi phẩm bất hủ Ave Maria (Kính Chào Maria). Nhà thơ khai bút bằng lời chào mừng trang trọng cung kính Mẹ Maria, Người Nữ Tuyệt Vời lung linh thánh thiện. Trong kho tàng Nghệ Thuật Công Giáo thế giới, biết bao nghệ sĩ, họa sĩ, thi sĩ đã sáng tác muôn vàn tác phẩm với những nét nghệ thuật độc đáo như Michel Ange, Raphael, Fra Angelico, từ thời Phục Hưng đến thời Cận Ðại. Người Việt Nam chúng ta tự hào vì với một Hàn Mạc Tử, chúng ta không thua kém với các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới trong lãnh vực tôn giáo này.

      Những kỷ niệm một lần gặp nạn trên bờ biển Quy Nhơn, những lời kinh với chuỗi tràng hạt luôn có bên mình, ngay cả niềm đau se buốt khi những ngón tay nhà thơ co rút lại vì bệnh phong, tất cả đã đưa anh đến trạng thái xuất thần khi sáng tác thi phẩm Ave Maria đưa hồn anh đi rất xa trong cõi mênh mông với các sứ thần thiên quốc. Những chữ viết về nhà thơ công giáo Hàn Mạc Tử của tác giả bài viết này để tưởng niệm anh sẽ trở thành vô nghĩa, nếu không kính mời quý độc giả đi vào chính thi phẩm bất hủ Ave Maria:
      TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO  HÀN MẠC TỬ Color-blue-ave-maria
      Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả
      Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
      Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
      Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
      Và Tổng Lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ
      Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.
      Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
      Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

      Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
      Run như run thần tử thấy long nhan,
      Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
      Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

      Lạy Bà là Ðấng tinh tuyền thánh vẹn,
      Giầu nhân đức, giầu muôn lộc từ bi.
      Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,
      Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
      Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
      Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
      Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
      Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị..
      Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
      Và trong tay nắm một nạm hào quang...

      Tôi no rồi ơn vũ lộ hòa chan,
      Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
      Ngọc như ý vô tri còn biết cả
      Huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh
      Tôi ưa nhìn Bắc Ðẩu rạng bình minh
      Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...
      Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
      Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen.

      Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
      Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
      Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
      Người có nghe náo động cả muôn trời?
      Người có nghe thơ màu nhiệm ra đời
      Ðể ca tụng, bằng hoa hương sáng láng
      Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng
      Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
      Ðây rồi! Ðây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.
      Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
      Trượng phu lời và tông đồ triết lý
      Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Ðồng Trinh..
      Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
      Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
      Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
      Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
      Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước...

      Hàn Mặc Tử, một thi nhân, một nhà thơ Công Giáo, một tâm hồn thuấn nhầm Niềm Tin Công Giáo sâu sắc, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, bằng đời sống nội tâm phong phú thánh thiện, đã khám phá được những chiều kích mới lạ vượt qua những niềm đau bất hạnh mà thi nhân đã trải qua. Càng đọc thi phẩm bất hủ Ave Maria càng đưa chúng ta tới bến bờ huyền nhiệm trong thế giới vô hình. Phải chăng qua đó, nhà thơ đã đi tiên phong trong sứ mệnh trình bày một nền Thần học Á Châu dựa trên những suy tư và văn hóa lâu đời của Á Châu. Ðem tôn giáo vào thơ, lấy nguồn cảm hứng thơ trong tôn giáo phải chăng Hàn Mạc Tử đã đi đúng con đường mà sau này Tông Huấn Giáo Hội Á Châu đã trình bày. Ðây chính là một vinh dự cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì có một người con đã đóng góp và khai phá một con đường mới trong Văn Học Việt Nam.

      Với tác giả bài viết này, từ khi còn theo học ban văn chương tại nhà trường vẫn đặc biệt ngưỡng mộ quý mến nhà thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng có một kỷ niệm không bao giờ quên, mặc dầu đã 26 năm nay! Ðó là nhân Mùa Ðại Lễ Giáng Sinh năm 1974, Phòng Thông Tin Hoa Kỳ Sàigòn tổ chức một buổi trình diễn đặc biệt Thánh Ca Giáng Sinh tại thính đường Hội Việt Mỹ, chúng tôi vẫn nhớ mãi khi cố Nhạc sĩ Hải Linh điều khiển Ca Ðoàn Hồn Nước với trên 60 ca viên trình diễn hai trường ca 5 giọng hai thi phẩm bất hủ của Nhà Thơ Hàn Mạc Tử: Ave Maria do Hải Linh phổ nhạc và Ðà Lạt Trăng Mờ của Phạm Duy. Hôm đó cả hội trường đông đảo thính giả ngoại quốc và Việt Nam đã hoàn toàn nín lặng, khi những dòng nhạc hòa lẫn hồn thơ với những âm thanh vời vợi mông lung... đưa lòng người vào một không gian huyền ảo thánh thiện tuyệt diệu... Nhân mùa tưởng niệm 60 năm ngày nhà thơ mất, xin thành kính gửi một nén hương về bên kia thế giới cho nhà thơ tài hoa bạc mệnh của chúng ta.

    Linh Mục TRẦN QUÝ THIỆN



    cafe phuonglam




Về Đầu Trang Go down
 

TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ CÔNG GIÁO HÀN MẠC TỬ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: (¯`• ♥.*. ♥•´¯) NGHỆ THUẬT SỐNG (¯`•♥.*.♥.´¯) :: VĂN NGHỆ SĨ CÔNG GIÁO-
free counters