Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn

/

 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
THƯ GỞI THÀY - 18 Sudieptutroi

 

 THƯ GỞI THÀY - 18

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Eaglet
FOUNDER

FOUNDER


Tổng số bài gửi : 614
Điểm NHIỆT TÌNH : 1275
Ngày tham gia : 11/08/2009

THƯ GỞI THÀY - 18 Vide
Message reputation : 100% (1 vote)
Bài gửiTiêu đề: THƯ GỞI THÀY - 18   THƯ GỞI THÀY - 18 EmptyTue Sep 15, 2009 11:58 am




    DẤU CHÂN CỦA THẦY

    BÀI GIẢNG BÁT PHÚC
    (Mt 5, 1-12)


    Thầy kính mến,
    Đại văn hào Lev Tolstoi đã say mê bài giảng Bát Phúc của Thầy. Ông ân cần giới thiệu bài giảng ấy cho hai người bạn Ấn Độ là thi hào Tagore và thánh Gandhi. Sau khi đọc bài giảng Bát Phúc, Gandhi tâm sự rằng: “Tôi rất an tâm tiếp tục cuộc chiến tranh bất bạo động để giành độc lập cho Ấn Độ. Bát Phúc được đánh giá là bài giảng quan trọng nhất của Thầy. Nó cũng được gọi là Bài Giảng Trên Núi, hoặc Hiến Chương Nước Trời. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì khẳng định rằng chỉ sống bài giảng Bát Phúc thì đã là chứng tá của Tin Mừng rồi. Bởi vậy con xin cúi mình kính cẩn và ân cần suy gẫm bài giảng này.
    Qua bài giảng Bát Phúc, Thầy vẽ được chân dung của một Kitô hữu chân chính. Người Kitô hữu chân chính là người:

    1. Coi tiền bạc và của cải vật chất chỉ là một tên đầy tớ chứ không phải là một ông chủ, là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc đời. Họ làm ra tiền một cách lương thiện và xài tiền một cách hữu lý và hữu tình. Họ dùng tiền của để thăng tiến con người, thăng tiến bản thân và tha nhân. Khi nghèo khổ và túng thiếu, họ vẫn mỉm cười hạnh phúc. Khi họ dư ăn dư mặc, họ niềm nở chia cơm xẻ áo cho anh em túng thiếu y như trả ơn cho anh em của mình. An xài sung sướng bên cạnh người túng thiếu, họ cho là xúc phạm đến nhân phẩm.

    Có một người hành khất đã đặt vào tay con 50.000đ nhờ chuyển đến những người nghèo ở vùng sâu vùng xa.

    Năm 1997 con đã nhận 5.000.000đ từ một nhóm bạn khuyết tật nhờ chuyển cho nạn nhân bão Linda.

    Cũng năm ấy, một người giàu giấu tên nhờ con chuyển cho nạn nhân bão và học sinh nghèo gần một nửa tỉ đồng. Họ là những người đáng được Thầy khen ngợi: “vì Nước Trời là của họ”.

    Tất cả họ đều là những người có tâm hồn thanh bần.

    Thầy kính mến,
    Con không đồng cảm với tác giả Luca khi ông trình thuật bài giảng Bát Phúc của Thầy. Lý do:

    Ông chỉ kể lại bốn phúc. Thiếu 50%.

    Ông đền bù bằng bốn lời chúc dữ. Không cần.

    Cách lý luận và giải thích của ông dễ làm cho độc giả ngày nay hiểu lầm. Ông viết: “Khốn cho người giàu…” Tại sao người giàu bị chúc dữ? Ông giải thích: “Vì bây giờ được sướng rồi!” Cũng một lý luận như thế, ông trình thuật dụ ngôn: “Người Phú Hộ và Ông Ladarô Nghèo”: “Con ơi, suốt đời con nhận phần phước, còn Ladarô suốt đời bất hạnh. Bây giờ Ladarô được an ủi, còn con phải khốn khổ” (Luca 16,25).

    Vậy thì: Hạnh phúc đời này là nguyên nhân của đau khổ đời sau ư? Và muốn lên Thiên Đàng thì hôm nay phải đi ăn mày như Ladarô ư? Eo ơi, con không chịu đâu.

    Con không đồng cảm với Luca, nhưng lại rất thông cảm với ông. Ông sống vào thời cực thịnh của đế quốc La mã. Người giàu thời ấy có hàng trăm, hàng ngàn nô lệ. Người giàu là người chiến thắng. Họ trở nên giàu có cũng vì chiến thắng. Họ tiếp tục giàu có và sống phè phởn là nhờ mồ hôi nước mắt của kẻ chiến bại. Thời ấy mà nói rằng “khốn cho người giàu”, thì đúng quá, không cần giải thích, vì đó là thực tế. Nhưng chỉ đúng một thời.

    2. Sống hiền lành và khiêm nhu một cách cao thượng. Bị chơi xấu, họ vẫn chơi đẹp. Không phải lo sợ đối thủ, nhưng họ sợ chưa yêu kẻ thù được như lời Thầy dạy. Họ mềm như nước, nhưng khoa học bảo rằng: “Nước không thể nén được”. Mềm đấy mà cũng bất khuất đấy. Nước khiêm nhu vô cùng. Chẳng có nhà vệ sinh nào mà không có nước. Nhưng nước bẩn nào rồi cũng bốc hơi, bay lên trời, rồi rơi xuống đất. Tinh khiết quá chừng! Dòng suối chảy róc rách. Dòng thác đổ ầm ầm. Cũng chỉ là nước đó thôi. Mà nước chảy thì đá mòn. Yếu đấy mà cũng mạnh lắm đấy.

    Con đã thấy Thầy, căng thây trên thập giá, đau quá đi thôi. Thế mà Thầy vẫn dướn người lên, hít một hơi thật đầy, để nói một lời ngọt như mía lùi: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Cao thượng quá chừng! Phước đức ngàn trùng! Hiền lành là thế.

    3. Người đón nhận đau khổ và biến đau khổ thành niềm vui. Đời là bể khổ. Đành vậy. Chạy đến chân trời nào bây giờ? Chân trời nào cũng vẫn là đời. Mà đời thì vẫn cứ là bể khổ. Trốn khổ không được. Chống khổ cũng không được. Bị đè bẹp ư? Không! Không thèm trốn, không thèm chống, nhưng hóa giải. Hóa giải được không? Được! Khó không? Dễ thôi.

    Có một con chuột chết trong kệ tủ. Thối đến buồn nôn. Giải quyết cách nào? Bỏ chạy ư? Không. Ơ đó mà ngửi ư? Không. Đem con chuột chết chôn bên cạnh gốc cây cam. Rồi chờ xem con chuột chết ấy biến hóa thành hoa cam. Thơm phức. Cũng con chuột chết ấy biến hóa thành trái cam. Ngọt lịm! Vậy đó.

    Có một người đàn bà mang tên Legrix. Là họa sĩ, là văn sĩ, nhưng … cụt chân, cụt tay từ ngày ra chào đời. Tận cùng bằng số! Khổ ơi là khổ!
    Ký giả tạp chí Pelerin hỏi: “Bà có khổ không?” Bà cười như nắc nẻ. Cười đã rồi trả lời tỉnh queo: “Tôi không khổ, bởi tôi biết là Chúa yêu tôi”.

    4. Người ham sống tốt và ham làm việc thiện. Họ giống như người đói khát việc thiện. Không sống tốt, họ cảm thấy đời vô nghĩa. Không làm việc tốt, họ chịu không nỗi. Họ giống như cây ngọc lan, nở một bông, nở hai bông, nở một ngàn bông. Bông nhiều hơn lá. Hương thơm ngào ngạt.

    5. Người biết xót thương. Thấy người khổ thì cầm lòng không được. Người khổ thì trùng trùng điệp điệp. Thương mãi, thương hoài, thương đến kiệt sức mà vẫn không thôi. Cho mãi, cho hoài đến độ chẳng còn gì nữa để có và để cho. Nhưng chính lúc đó là khi nhận, chính lúc quên mình là lúc thấy mình. Thầy thích thế và Thầy bảo thế. Phúc thay!

    6. Người chân thật, không biết gian dối, không thèm nói dối. Đối với họ, nói dối là hèn, thủ đoạn mưu mô là của Satan. Chân lý tỏa ra từ đôi mắt của họ. Sự thật đậu trên môi của họ. Ai cũng thương. Ai cũng tin tưởng. Uy tín của họ cao vời vợi. Thấy thế, Thầy thích quá và tuyên ngôn: “Sự thật giải phóng anh em”.

    7. Người yêu chuộng hòa bình. Họ sợ ánh mắt đục ngầu. Họ ghê tởm hai hàm răng nghiến ken két. Họ rùng mình khi thấy máu chảy. Họ dị ứng với hận thù. Họ là kẻ thù của chiến tranh.

    Họ thích sống chan hòa với mọi người. Họ sẵn sàng quỳ xuống van xin để người ta thôi đánh nhau. Và nếu bảo họ phải chết để có hòa bình, thì họ sẽ giơ hai tay đón lấy thần chết. Thầy gọi họ là “con của Thiên Chúa”. Đúng quá!

    8. Những người vì Thầy mà bị bắt bớ, lăng nhục.

    Ôi, trùng trùng, điệp điệp. Tầng tầng, lớp lớp. Người ta ùn ùn vô tù, người ta rùng rùng ra pháp trường, nét mặt hân hoan như thái tử lên ngôi, như công chúa vào cung. Họ yêu Thầy, họ rao giảng Thầy. Họ sẵn sàng trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu đào. Đối với họ thì giá máu cũng còn rẻ quá. Mua được Thầy thì ngàn giá máu cũng còn rẻ mạt.

    Thầy kính mến,
    Đời là rừng hoa. Đời là ngàn hoa. Phúc đức chan hòa! Nhưng đời phải biết Thầy. Đời phải yêu Thầy. Thầy là đời. Thầy là hoa. Thầy là tất cả.

    Lm. Piô Ngô Phúc Hậu



    Eaglet




Về Đầu Trang Go down
https://clcgk.forumvi.com
 

THƯ GỞI THÀY - 18

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

- Nếu chèn smiles có vấn đề thì bấm a/A trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn :: °·♥ †HỌC HỎI† ♥·° :: LINH THIÊNG VÀO ĐỜI
-
free counters